Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên khuyến khích “ngôn ngữ cải biên”?

Thanh Phong| 31/03/2013 06:58

Cuốn sách tuyển tập những "thành ngữ cải biên" của thế hệ trẻ "Sát thủ đầu mưng mủ" đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, trong đó có nhiều em học sinh phổ thông. Sắp tới sẽ có thêm một cuốn sách với nội dung tương tự, mang tên "Phê như con tê tê". Từ chỗ đọc cho vui, các em dần "bắt chước", sử dụng ngôn ngữ bừa bãi. "Vẽ đường" kiểu ấy, liệu có nên?

Em Nguyễn Văn Hùng (học sinh lớp 10A, Trường THPT Đống Đa):

- Cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" em đã từng đọc qua, rất nhiều bạn cùng lứa cũng đã đọc. Em thấy sách có nhiều câu vui tai, nhưng cũng có nhiều cụm từ phản cảm có kèm theo hình ảnh minh họa, như "Bộ đội phải chơi trội", "Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối"... Sách còn có hình ảnh học sinh trốn học, quấy phá, đánh nhau… Không hiểu sao cuốn sách ấy lại được xuất bản bán tràn lan?

Em Nguyễn Thị Vân (học sinh lớp 9C, Trường THCS Phúc Đồng):

- Chưa biết cuốn "Phê như con tê tê" có hài hước như cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" không, nhưng chắc chắn là em sẽ mua khi sách "ra lò". Hồi mới ra "Sát thủ đầu mưng mủ", bạn nào trong lớp em cũng tìm đọc. Sách tập hợp những câu thông dụng đã được giới trẻ "cải biên", đưa lên mạng xã hội, diễn đàn "chém gió", lại có thêm nhiều hình ảnh minh họa "cười vỡ bụng". Em thấy sách rất gần gũi với chúng em. Ban đầu chỉ đọc để giải trí, rồi nhiều câu trong sách đã trở thành "câu cửa miệng" khi bọn em tán gẫu, trò chuyện với nhau.

Cô Nguyễn Thị Thúy (giáo viên dạy văn, Trường THCS Ngọc Lâm):

- Giới trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo, luôn muốn tìm tòi những thứ mới mẻ. Do đó, những câu thành ngữ cải biên trong cuốn sách trên được một bộ phận giới trẻ thích thú. Nhưng, tôi thấy rất tai hại nếu như cuốn sách trên được xuất bản rộng rãi, vì chúng có thể "đầu độc" ngôn ngữ của học sinh.

Từ chỗ thích thú, các em sẽ vận dụng loại ngôn ngữ "phá cách" mọi lúc, mọi nơi, không cần biết là đang nói chuyện với ai. Lâu dần, lối nói đó ngấm vào ngôn ngữ của học sinh, "bóp méo" sự trong sạch của tiếng Việt. Mặc dù được cảnh báo ngay từ bìa sách, là chỉ dành cho lứa tuổi từ 15 tuổi trở lên nhưng khi được bán tràn lan ngoài thị trường, ai dám chắc chúng không lọt vào tay những học sinh tiểu học còn đang bập bẹ học tiếng Việt. Sách báo tác động rất nhiều đến khả năng định hướng con trẻ. Những cuốn sách loại này rõ ràng đang "vẽ đường cho hươu", dễ dẫn đến sự lệch chuẩn về ngôn ngữ. Các nhà xuất bản không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua mối nguy đã rõ ràng. Các bậc phụ huynh cần định hướng cho trẻ tìm mua những cuốn sách bổ ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên khuyến khích “ngôn ngữ cải biên”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.