(HNM) - Bưu điện Hà Nội đang quản lý 381 điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐVHX), trong đó có 45 điểm đã tạm ngừng hoạt động. Với các điểm hoạt động không hiệu quả...
Nhiều điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Thái Hiền
VỚI các điểm BĐVHX kể trên, có tới 90% số điểm phải bù lỗ, có những điểm doanh thu thấp dưới 100.000 đồng/tháng, thậm chí có điểm không có doanh thu. Cũng tương tự như các điểm phục vụ khác trên toàn quốc, do người dân vùng nông thôn đã tự trang bị các phương tiện liên lạc cá nhân nên họ không có nhu cầu đến sử dụng dịch vụ, dẫn đến việc các điểm BĐVHX tuy ra đời là phục vụ người dân nhưng lại không còn được phục vụ. Mặt khác, các điểm BĐVHX đều được xây dựng cách đây hơn 10 năm, cộng với tình hình hoạt động khó khăn trong những năm gần đây, nên cơ quan chủ quản không đủ ngân sách đầu tư, nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, dụng cụ hư hỏng, người đến đọc sách, báo thưa thớt. Bên cạnh đó, theo chương trình đưa internet băng rộng về các điểm BĐVHX, các điểm phục vụ này tại Hà Nội cũng đã được trang bị máy tính kết nối internet, nhưng trên thực tế hầu như không có người sử dụng dịch vụ. Đó là chưa kể nhiều nơi máy vi tính bị hỏng nên không thể phục vụ nhu cầu đọc và tìm thông tin của người dân...
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các điểm BĐVHX trên địa bàn, Bưu điện Hà Nội đã thực hiện ghép việc giữa nhân viên trực BĐVHX với nhân viên bưu tá xã. Theo đó, ngoài giờ trực tại điểm, các nhân viên này sẽ đi đưa thư, báo đến người dân. Cách làm này đã góp phần nâng cao đời sống của nhân viên điểm BĐVHX, nâng cao chất lượng dịch vụ lại tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ở Hà Nội mô hình này chưa phát triển nhiều, mới chỉ dừng lại ở vài chục điểm. Một đề xuất khác, nhân viên của các điểm BĐVHX cơ bản được đào tạo nghiệp vụ về bưu chính viễn thông, do vậy có thể kết hợp để giao việc thu cước viễn thông cho đội ngũ nhân viên BĐVHX. Tất nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này phải có sự hợp tác giữa bưu điện và viễn thông (VNPT) và có thể phải cần đến vai trò của Tập đoàn VNPT khi ra những quy định về vấn đề này… Đó là những giải pháp cụ thể trong một loạt giải pháp khác mà ở tầm cao là tập đoàn đang thực hiện, như về chính sách quản lý, các phương án kinh doanh…
Song, ở một góc độ khác, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho các điểm phục vụ này cũng phải tính đến những biện pháp mạnh, quyết liệt, đó là có thể "đóng cửa" các điểm phục vụ không có hiệu quả. Sở dĩ như vậy là vì trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo cơ quan chủ quản chuyên ngành, lãnh đạo UBND TP, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện Hà Nội đã nhiều lần đề xuất các cơ quan quản lý cho phép đơn vị được chuyển đổi hình thức chủ sở hữu, giao cho VNPT Hà Nội quản lý (đề xuất giao cho VNPT Hà Nội quản lý 64 điểm). Lãnh đạo VNPT Hà Nội cũng đề xuất được nhận lại một số điểm này để phục vụ sản xuất. Thực tế, trong thời gian qua, Bưu điện Hà Nội đã cho phép 93 điểm BĐVHX lắp đặt thiết bị viễn thông nhằm tăng nguồn thu, giảm gánh nặng chi phí và quản lý. Song, được biết việc chuyển giao (nếu có) sẽ gặp khó khăn do những vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai… Với các điểm BĐVHX nằm ở khu vực đô thị hóa cao (xã lên phường), Bưu điện Hà Nội kiến nghị được chuyển đổi hình thức hoạt động, như có thể chuyển thành các bưu cục (nếu cần thiết) hoặc chuyển sang hoạt động xã hội (do chính quyền phường quản lý). Thiết nghĩ đó cũng là cách nghĩ mạnh dạn và cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho hệ thống các điểm BĐVHX của Hà Nội, đồng thời giúp giảm khoản bù lỗ của ngân sách nhà nước trong việc duy trì hoạt động của các điểm BĐVHX này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.