Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên cho nhập khẩu tàu biển cũ?

Việt Nga| 31/05/2014 07:40

(HNM) - Trong phiên họp chiều 30-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Về cơ bản, các ĐBQH đánh giá cao phần giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.

Về quy định BVMT trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa (Điều 81), dự thảo cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Theo UBTVQH, có hai quan điểm góp ý với dự thảo về vấn đề này. Thứ nhất, đó là tán thành, giao Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cần phải có quy định nghiêm ngặt để BVMT. Thứ hai là còn băn khoăn và chưa thực sự đồng tình với quy định "đối với tàu biển đã qua sử dụng, giao Chính phủ quy định cụ thể" vì việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, nếu không được quản lý chặt chẽ.

Việc phá dỡ tàu biển cũ luôn tiềm ẩn nhiều hệ lụy về môi trường. Ảnh: Báo Hải Phòng



UBTVQH cũng đã xem xét, đồng ý với nhóm ý kiến thứ nhất; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH, Ban soạn thảo bổ sung quy định việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu như tại khoản 3, Điều 81 của dự thảo luật.

Không tán đồng với quan điểm vẫn cho phép nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ, các ĐB Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu), Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa), Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An) đều cho rằng, nếu vẫn giữ quy định thì chỉ sau khi luật có hiệu lực, nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới và kiến nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 81. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng nhấn mạnh: Tháo dỡ một con tàu cũ có thể đem lại tới 95% lượng sắt thép, còn lại là 5% chất độc hại, với ô xít chì, thủy ngân… và trong quá trình phá dỡ những chất độc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nguồn nước và cả chính người lao động. Hậu quả bị ảnh hưởng do những chất độc này gây ra là khôn lường.

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; bổ sung quy định về hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu được phép nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để nhập chất thải vào Việt Nam. Được biết, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, làm rõ khái niệm "phế liệu" để phân biệt với "chất thải"; chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, trong đó quy định phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Chưa rõ vai trò của cơ quan BVMT

Góp ý cho Điều 82 dự thảo luật về BVMT trong nhập khẩu phế liệu, một số đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung làm rõ vai trò cơ quan quản lý nhà nước về BVMT để tránh sự chồng chéo. UBTVQH cũng đã tiếp thu, bổ sung tại Chương 14 gồm 6 điều (từ 146 đến 151) quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của UBND các cấp trong lĩnh vực BVMT. UBTVQH cũng đã tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung quy định cơ quan chuyên môn về BVMT đối với một số cơ quan, tổ chức (tại Điều 151 của dự thảo luật).

Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu nêu thực trạng vừa qua xảy ra các sự kiện quy hoạch thủy điện thiếu đồng bộ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Do vậy, bên cạnh làm rõ trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BVMT (Bộ TN&MT), thì cần phải làm rõ hơn trách nhiệm, vai trò của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Một số ý kiến còn đề cập tới vai trò thẩm định của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) trong thẩm định các công trình lớn có tác động đến môi trường.

Để những quy định trong dự thảo luật chặt chẽ hơn, rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hơn, các đại biểu có những kiến nghị cụ thể. Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) kiến nghị nên bổ sung thêm quy định chặt chẽ hơn với chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra trong BVMT. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) cho rằng dự thảo luật nên quy định lồng ghép quan điểm BVMT trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở cấp huyện tại khoản 2, Điều 9… Được biết, các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh sửa thêm trước khi trình ra các ĐBQH thông qua trong kỳ họp này.

 - - - - - -
* Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai): Tôi ủng hộ ý kiến với một số đại biểu khác, kiến nghị với UBTVQH, Ban soạn thảo là dự thảo luật cần bổ sung quy định các quy hoạch phát triển vùng kinh tế (hoặc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) cần tính cả việc BVMT, nếu không làm được điều này, sẽ là bước thụt lùi của việc BVMT.

* Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình): Thời gian qua có nhiều vi phạm liên quan đến BVMT, vậy vai trò, trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, thẩm định các dự án này ở đâu? Nếu lấy ý kiến thẩm định của Bộ TN&MT, liệu ý kiến này có được xác đáng không? Vì vậy, tôi mong muốn dự thảo cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan phê duyệt, thẩm định liên quan trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên cho nhập khẩu tàu biển cũ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.