Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên cấm nhập lúa mì?

Tuệ Diễm| 12/10/2018 06:28

(HNM) - Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát hiện lô hàng 500 tấn lúa mì nhập khẩu vào TP Hồ Chí Minh có chứa hạt cỏ dại Cirsium Arvense.

Tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” diễn ra ngày 8-10 tại TP Hồ Chí Minh. VGP/Lê Anh


Trước thông tin doanh nghiệp sẽ bị cấm nhập lúa mì có lẫn hạt cỏ Cirsium Arvense và buộc tái xuất lô hàng nếu có cỏ dại kể từ ngày 1-11-2018, Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì”. Tại buổi tọa đàm, đa số doanh nghiệp phản ánh, nếu lệnh cấm được ban hành sẽ khiến họ không kịp xoay xở, ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là gây khan hiếm và tăng giá hàng hóa vào dịp Tết sắp tới.

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên doanh Bột quốc tế - Intermix lo lắng: “Chúng tôi đang nhập lô lúa mì trị giá 300 tỷ đồng, nếu thực sự có lệnh cấm nhập lúa mì mà lô hàng có lẫn cỏ Cirsium Arvense thì thiệt hại của doanh nghiệp quá lớn. Công ty phải ngừng hoạt động nếu không có lúa mì để xay làm bột, ảnh hướng đến đời sống của 500 công nhân”.

Trên thực tế, khi các công ty Việt Nam đề nghị cần sàng lọc loại bỏ cỏ dại thì đối tác nước ngoài sẵn sàng ngừng ký hợp đồng mua bán, bởi họ không muốn đầu tư máy sàng lọc do tốn thêm chi phí. Việc đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác mới phải mất tối thiểu 6-8 tháng nên doanh nghiệp sẽ không nhập khẩu được lúa mì ít nhất trong vòng một năm. Nhiều nhà máy xay xát, chế biến bột mì có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Các công ty tiêu thụ bột mì cũng lâm vào cảnh khó khăn do chi phí sản xuất sẽ tăng cao.

Bà Kao Huy Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi phải dùng 13 tấn bột mì, cao điểm trên 20 tấn/ngày. Nếu các nhà máy bột mì trong nước không nhập được lúa mì do vướng quy định liên quan đến cỏ dại, rất có thể công ty sẽ phải nhập khẩu bột mì xay sẵn từ nước ngoài với giá cao và đội thêm chi phí”.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc cấm nhập khẩu lúa mì vì có lẫn cỏ dại sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khi đó các doanh nghiệp buộc phải tiến hành nhập khẩu trực tiếp bột mì từ nước ngoài vào thì việc kiểm soát chất lượng bột, vấn đề an toàn thực phẩm trở nên vô cùng khó khăn”.

Với quy định mới triển khai gấp gáp, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp. Ông Phan Công Cường - Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ bột mì cho hay: “Những tháng vừa qua, khi lô hàng nhập khẩu lúa mì có lẫn cỏ dại, chúng tôi đã tiến hành sàng tách cỏ dại riêng, mời đại diện Cục Bảo vệ thực vật đến chứng kiến đốt tiêu hủy. Với cách làm này, các doanh nghiệp khác hoàn toàn có thể xử lý, không để phát tán cỏ dại ra môi trường. Vì thế, Công ty kiến nghị không nên cấm nhập khẩu lúa mì mà nên để doanh nghiệp tiến hành sàng lọc, tiêu hủy cỏ dại. Việc này dễ dàng thực hiện được".

Hiện nay, địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 300 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, chế biến lúa mì, bột mì. Các doanh nghiệp mong muốn, nếu nhập khẩu lúa mì để lấy hạt gieo trồng thì cần kiểm soát vấn đề có lẫn cỏ dại, còn các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì để xay bột chế biến thực phẩm cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do vướng quy định trên. Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội sẽ có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi về các căn cứ của việc ban hành quy định nêu trên của Cục Bảo vệ thực vật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên cấm nhập lúa mì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.