(HNM) - Sáng 29-12, bên ly cà phê nóng, anh Hoàng và Tuấn, đôi bạn lâu ngày mới gặp nhau đang ôn lại những câu chuyện cũ trong quán đồ uống tại ngã tư Bà Triệu, Tràng Thi thì một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi chìa bàn tay thô ráp ra xin.
(HNM) - Sáng 29-12, bên ly cà phê nóng, anh Hoàng và Tuấn, đôi bạn lâu ngày mới gặp nhau đang ôn lại những câu chuyện cũ trong quán đồ uống tại ngã tư Bà Triệu, Tràng Thi thì một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi chìa bàn tay thô ráp ra xin. Hoàng ngừng câu chuyện, nhìn người phụ nữ, lắc đầu. Cô ta cúi mặt, nhưng không bỏ đi, cứ đứng đó. Tuấn thấy không đành lòng, rút túi lấy ra 5 nghìn đồng bỏ vào bàn tay. Cô ta đi rồi, hơi nghiêng cái mặt khó đăm đăm, Hoàng nói với bạn:
- Nhìn cô ấy khỏe mạnh, đủ sức khỏe để tự lao động nuôi sống bản thân. Cho như vậy là cậu đang tiếp tay để những điều không hay tồn tại trong xã hội.
- Cô ta cứ đứng ỳ ra đấy trong khi chúng ta đang nói chuyện. Đáng là bao đâu, cho để nó đi, đỡ bị làm phiền thôi mà!
- Nói cậu đừng giận, chính cái sự "để đỡ bị làm phiền" đang là căn bệnh. Cậu đang khuyến khích những người ăn xin tiếp tục sống mà không chịu lao động.
- Ôi dào, cậu cứ sâu xa. Nhưng tớ không cho, cô ta tiếp tục sang bàn khác, có chăng sự từ chối của cậu chỉ khiến cô ta phải mất thêm một chút thời gian.
- Chết là ở chỗ ấy, cậu muốn "để đỡ bị làm phiền" nên tặc lưỡi, người khác cũng tặc lưỡi như cậu, cả xã hội tặc lưỡi… Tớ nghiêm khắc, nghiêm túc, người khác thấy tớ đúng mà theo, chắc chắn sẽ tạo được thói quen tốt giúp ích cho xã hội. Chẳng riêng gì việc cậu cho người ăn xin kia, việc gì cũng vậy, nếu mỗi người có thái độ sống nghiêm túc một chút chắc chắn cái ác, điều không tốt trong xã hội sẽ không có đất để tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.