Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội

Yên Nga| 01/01/2017 07:39

(HNM) - “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội/Khi mặt trời Biển Đông bừng sáng mặt Hồ Gươm/Khi cờ đỏ Ba Đình tung bay trên cột mốc/Biển, đảo thiêng liêng mang bóng dáng rồng bay”...


Một phụ huynh đưa con tham quan triển lãm.


CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thuộc Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), thành lập ngày 25-6-2015. Rất nhiều thành viên CLB đã đến với quần đảo Trường Sa, ghi lại những bức ảnh xúc động về thiên nhiên, con người nơi ấy. Họ mong muốn giới thiệu chúng đến với nhân dân Thủ đô và du khách những bức ảnh đẹp nhất, từ đó khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, đồng thời khơi gợi tình yêu biển đảo đất nước trong mỗi người. Tất cả tác giả tham gia triển lãm cùng chung một ý nghĩ hướng về Trường Sa bằng những việc làm cụ thể, và lần này là gây quỹ để xây dựng hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa.

100 bức ảnh của 22 tác giả là những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh hay người yêu nhiếp ảnh của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Định… cùng là thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương nhiệt tình tham gia. Ảnh trưng bày theo 4 chủ đề: “Chủ quyền biển đảo”, “Thiên nhiên Trường Sa”, “Chân dung Trường Sa”, “Hà Nội với Trường Sa”. Ở đó có đầy đủ hình ảnh của các đảo cùng 9 ngọn hải đăng tại quần đảo - những ngọn hải đăng chưa bao giờ tắt, dù mưa hay nắng, biển lặng hay bão tố. Với những ai chưa từng đặt chân đến Trường Sa thì triển lãm sẽ đưa lại hình dung về từng điểm đảo trong quần đảo, cũng như cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Thật vậy, ngắm bức ảnh “Đảo Đá Tây B” (Xuân Chính) hay “Hải đăng Tiên nữ” (Nguyệt Ánh), “Quê em Trường Sa” (Hùng Lekima), “Sắc màu Trường Sa” (Dư Hải)… thấy vùng biển đảo ấy sống động, tươi sáng và gần gũi biết mấy. Còn ai đã một hay nhiều lần đến đây lại thấy ngỡ ngàng bởi dẫu cùng điểm đảo nhưng mỗi thời điểm lại mang vẻ đẹp riêng. Như bức “Cất cánh” (Trần Thành) hay “Diệu kỳ Trường Sa” (Mỹ Trà) là những khoảnh khắc xuất thần mà các tác giả “bắt” được.


Các bạn trẻ giao lưu với chiến sĩ Trường Sa.


Nhưng dường như “Chân dung Trường Sa” là phần ảnh gây xúc động nhất. Vẻ đẹp người lính biển toát lên không chỉ trong khi làm nhiệm vụ mà cả sinh hoạt hằng ngày, những người dân đảo dù nhiều khó khăn vẫn tỏa rạng nụ cười lạc quan hay các em nhỏ hồn nhiên vui đùa sau giờ học… Dù đã 4 lần đến quần đảo Trường Sa, chụp hàng chục nghìn bức ảnh, nhưng khi chọn lọc những tác phẩm từ thành viên khác gửi về triển lãm, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương Trần Thành chia sẻ, rằng anh vẫn thấy nơi ấy mới mẻ, diệu kỳ và thôi thúc mình tiếp tục đến. Trần Thành cũng là tác giả của công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Trường Sa Đông hồi đầu năm. Lần này, từ sự chung tay, ủng hộ của người dân Thủ đô trong việc mua bưu thiếp ảnh Trường Sa và đấu giá những bức ảnh sau triển lãm, hy vọng đảo An Bang cũng có được máy lọc nước như vậy.

Phần ảnh “Hà Nội với Trường Sa” là những cuộc gặp gỡ thiết tha giữa đất liền và biển đảo, từ các vị lãnh đạo, văn nghệ sĩ đến nhân dân Thủ đô đều mang tình cảm nồng thắm với Trường Sa thân yêu. Vừa trở về từ đảo Đá Tây A (quần đảo Trường Sa), chiến sĩ Hoàng Văn Long đến với triển lãm và đứng rất lâu trước những bức ảnh: “Tôi cảm thấy rất ấm áp, dường như giữa Hà Nội quê hương tôi với Trường Sa không còn khoảng cách nữa”.

Bên cạnh ảnh, trong thời gian triển lãm (từ ngày 31-12-2016 đến 3-1-2017), tại đây còn trưng bày những hiện vật của Trường Sa từ nguồn Bảo tàng Hải quân, các kỷ vật gửi về từ các đảo Trường Sa tặng triển lãm, sản phẩm về Trường Sa trong cuộc thi do Trung ương Đoàn phát động… cùng nhiều cuộc giao lưu thơ, ca hát về biển đảo, để công chúng cảm nhận sâu đậm hơn sự hiện hữu của Trường Sa giữa “trái tim” của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.