(HNM) - Ngày 5-5, Đoàn công tác TP Hà Nội đã hoàn thành tốt đẹp chuyến công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2016 sau 9 ngày hoạt động sôi nổi, thắm thiết nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa trên vùng biển đảo quê hương.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm hỏi, động viên các chiến sĩ trên đảo Đá Lát. |
Khó có thể nói hết biết bao cảm xúc, ấn tượng khó quên về con người, cảnh vật, những chiến sĩ ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Quan trọng hơn, qua chuyến công tác, chúng ta cần và phải tiếp tục làm gì để Thủ đô Hà Nội có thể hỗ trợ tốt nhất, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn công tác để làm rõ vấn đề này.
Thắm thiết nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa
- Thưa đồng chí, chuyến công tác vừa qua thêm một lần nữa khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác và sinh sống trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Có thể khẳng định đây là một hoạt động nhiều ý nghĩa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam?
- Gần 10 năm nay, năm nào TP Hà Nội cũng tổ chức đoàn công tác do các đồng chí trong Thường trực Thành ủy dẫn đầu đi thăm cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân huyện đảo Trường Sa. Đây là một trong hàng loạt chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về "Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020". Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là trong giới trẻ về chiến lược biển đảo, nhất là chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chuyến công tác lần này cũng nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết với Quân chủng Hải quân, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó nghĩa tình thắm thiết giữa Thủ đô Hà Nội với Trường Sa, như với chủ đề của hành trình "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội".
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn động viên các chiến sĩ trên đảo Tốc Tan A. |
- Khởi hành từ ngày 27-4, chuyến công tác kéo dài 9 ngày này có rất nhiều hoạt động phong phú và giàu ý nghĩa. Đồng chí có thể nói rõ hơn về hoạt động của đoàn công tác tại Trường Sa?
- Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội luôn hướng về Trường Sa với tình cảm yêu thương và trách nhiệm cao. Chuyến công tác lần này, chúng tôi đã đi thăm, tặng quà, động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, gồm 7 đảo: Đá Lát, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Tốc Tan, Tiên Nữ, Thuyền Chài, An Bang và Nhà giàn DK1. Đặc biệt, chúng tôi rất vinh dự khi đến thăm Trường Sa Lớn đúng ngày kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2016). Đây là năm thứ 7 đoàn công tác của TP Hà Nội tổ chức đi thăm, động viên, tặng quà cho quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Hoạt động này nhằm tăng cường mối đoàn kết quân dân, đồng thời chia sẻ những khó khăn vất vả, cùng quân dân huyện đảo Trường Sa đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Từ nhiều năm qua, với tinh thần "Hà Nội vì Trường Sa", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 công trình cho huyện đảo Trường Sa, với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng, phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nâng cao đời sống cho quân, dân trên các đảo. Trong dịp này, Đoàn công tác của TP Hà Nội cũng dự lễ khánh thành, hạ thủy, bàn giao tặng các lực lượng Hải quân Trường Sa một chiếc tàu chi viện CV trị giá 24 tỷ đồng và khởi công công trình Nhà văn hóa đa năng ở đảo chìm Tiên Nữ trị giá 35 tỷ đồng.
- Có rất nhiều lựa chọn, nhưng vì sao Thủ đô Hà Nội lại chọn hướng đầu tư xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tiên Nữ? Mong mỏi và gửi gắm của Thủ đô ở sự kiện này là gì, thưa đồng chí?
- Với tình cảm thắm thiết và mong muốn sẻ chia những khó khăn, vất vả cùng những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Hà Nội đã có 4 công trình thiết thực tham gia xây dựng huyện đảo Trường Sa trong gần 10 năm qua, như: Nhà khách Thủ đô ở Trường Sa Lớn, Nhà văn hóa trên đảo Song Tử Tây, Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tốc Tan B và lần này, thành phố đầu tư xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo chìm Tiên Nữ với trị giá 35 tỷ đồng. Số tiền xây dựng công trình này hoàn toàn do cán bộ và nhân dân Thủ đô đóng góp thông qua Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu".
Đảo chìm Tiên Nữ, nơi cực Đông của quần đảo Trường Sa, có nghĩa cũng là cực Đông của Tổ quốc, là đảo xa nhất, có vị trí rất quan trọng trong quần đảo Trường Sa đang được Hải quân nhân dân Việt Nam đóng giữ. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản trong khu vực này. Vì vậy thành phố quyết định xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đây để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành điểm tránh bão, tiếp nhiên liệu trong trường hợp khẩn cấp… cho tàu thuyền ngư dân hoạt động trên vùng biển, cũng như các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Vì vậy, công trình có ý nghĩa rất thiết thực.
Những khoảnh khắc không thể quên
- Được biết, đây là lần thứ ba đồng chí đến với Trường Sa; mỗi chuyến công tác luôn để lại những dấu ấn khó phai. Đồng chí có thể chia sẻ cảm xúc đặc biệt của mình về chuyến công tác lần này?
- Biết bao kỷ niệm thân thương trong chuyến đi mà tôi cũng như những thành viên trong đoàn không thể kể ra hết được. Đến bất cứ điểm dừng chân nào chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh xúc động. Xúc động bởi ở đó cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ so với điều kiện ở trong đất liền là rất khó khăn và vất vả. Đặc biệt, trong buổi vào thăm đảo An Bang khiến tôi có ấn tượng nhất. Trong điều kiện thời tiết sóng gió mới ở mức độ vừa phải, nhưng để tiếp cận được đảo là rất khó khăn, đoàn công tác không thể đến đảo bằng xuồng máy mà phải dùng xuồng kéo. Anh em cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã phải lao mình xuống biển để kéo xuồng, đưa đoàn công tác vào đảo. Nhìn cảnh các chiến sĩ dầm mình dưới nước, sóng táp qua đầu, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là nhảy ra đón từng người lên đảo mà lòng rưng rưng cảm động, mến phục. Và khi chia tay, những cánh tay lại đưa ra để đẩy xuồng của đoàn công tác của chúng tôi ra phía ngoài biển. Tôi cảm giác mỗi cánh tay, mỗi bước chân được đưa ra là chúng tôi lại phải xa dần đảo. Đó là hình ảnh rất linh thiêng, tình cảm, hết sức xúc động.
- So với chuyến đi trước đây, chuyến đi này có điều gì khiến đồng chí thực sự bất ngờ?
- Tôi và một số ít thành viên trong đoàn được đến thăm Hải đăng Tiên Nữ và Đá Lát. Đây là hai ngọn hải đăng rất ấn tượng. Ngọn Hải đăng Tiên Nữ nơi cực Đông của Tổ quốc nằm cách xa đảo Tiên Nữ mất hơn 30 phút đi xuồng máy, phải qua một cái hồ nằm trong bãi đá mới đến được. Xuồng chỉ được phép chạy khi thời tiết thật thuận lợi. Chẳng mấy người đến thăm nhà đèn vì tàu lớn không vào đến nơi. Còn hải đăng ở đảo Đá Lát thì được dựng trên 4 trụ sắt, xây trên nền san hô cách nơi ở của cán bộ, chiến sĩ hơn 300m về phía Bắc. Hải đăng Đá Lát có kết cấu bằng sắt thép với những lỗ xiên hoa để giảm gia tốc của sức gió. Không gian của cả hai ngọn hải đăng rất chật hẹp, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn nhưng những người gác đèn vẫn yêu biển, yêu đảo, vượt lên khó khăn gian khổ, nguy hiểm, ngày đêm làm việc trên nhà đèn, giữa đại dương bao la, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để những ngọn hải đăng sáng mãi giữa biển trời Tổ quốc.
- Trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 chắc hẳn cũng có không ít người con của Thủ đô Hà Nội. Đồng chí nhắn nhủ gì với những cán bộ, chiến sĩ Hà Nội?
- Qua 5 đảo chìm, 2 đảo nổi và Nhà giàn DK14, đến nơi đâu cũng có các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã xung phong ra công tác tại đảo, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng trời Tổ quốc. Tôi vẫn căn dặn anh em cán bộ, chiến sĩ là người Hà Nội sống và chiến đấu ở Trường Sa, ngoài việc hoàn thành tốt công việc được giao, còn phải nỗ lực phấn đấu cùng với cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần của người Hà Nội, phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống Thủ đô Anh hùng của chúng ta, đặc biệt là ở Trường Sa, để có một Hà Nội trong lòng Trường Sa.
Để Trường Sa thêm vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió
- Đồng chí có thể khắc họa đôi nét đặc biệt về cuộc sống, nhịp sống ở huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 hiện nay, để mỗi người dân Thủ đô Hà Nội và cả nước thêm hiểu về vùng biển đảo thân yêu này?
- Quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang đổi thay từng ngày, khang trang, hiện đại hơn. Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa đã có hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng điện thoại di động Viettel và các thiết bị thu phát tín hiệu truyền hình, có trạm y tế, có trường học cho trẻ nhỏ, có chùa và nhiều công trình văn hóa để phục vụ cho quân và dân trên đảo sinh hoạt và chiến đấu… Đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được cải thiện nhiều so với thời điểm cách đây 3 năm tôi đến.
Tuy vậy cuộc sống của quân và dân trên đảo vẫn nhiều thiếu thốn, cam go, nhưng điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự lạc quan, quả cảm ở mỗi con người nơi đây. Giữa cái nắng, cái gió và mênh mông sóng nước đại dương, những nụ cười rạng rỡ luôn hiện hữu trên gương mặt đen sạm của từng cán bộ, chiến sĩ, khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau một hải trình dài đằng đẵng. Chứng kiến những người con của đất mẹ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, da sạm đen vì nắng gió, nhưng vẫn hiên ngang, vững vàng trước phong ba bão tố tại Phan Vinh, Thuyền Chài, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Nhà giàn DK14… chúng tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của biển đảo Tổ quốc.
- Theo đồng chí, Thủ đô Hà Nội có thể, và nên tiếp tục làm gì để tiếp sức cho Trường Sa một cách thiết thực và hiệu quả nhất?
- Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước luôn luôn hướng về Trường Sa. Hà Nội đặt trọn niềm tin yêu vào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội" là nói lên quyết tâm của Hà Nội luôn đồng hành cùng với Trường Sa. Tôi cũng như toàn thể các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn nguyện làm hết sức mình có thể để dành những điều tốt đẹp cho Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh những người chiến sĩ với lá cờ Tổ quốc
trên tay, cùng hô vang: Hoàng Sa - Trường Sa, Việt Nam! Việt Nam! mãi vang vọng trong tôi, là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục thực hiện những hoài bão, những lời hứa của mình đối với Trường Sa.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.