Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một kênh đơn giản mà hiệu quả

Nguyễn Nam| 14/08/2010 08:18

(HNM) - Để thu hút công nhân và người sử dụng lao động tự giác tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL), UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan in ấn tờ gấp hướng dẫn, biên soạn tài liệu, phổ biến cho người dân.


Theo đó, từ 1-1 đến 30-6-2011 sẽ triển khai tuyên truyền ở các sàn giao dịch việc làm và các quận, huyện. Tuy nhiên, còn một hình thức TTPBPL khá đơn giản nhưng chưa được chú trọng áp dụng. Đó chính là ''kênh'' văn hóa - văn nghệ.

Một tiết mục kịch tại Hội thi Cán bộ Công đoàn với pháp luật lao động do LĐLĐ

quận Hoàn Kiếm tổ chức.   Ảnh: Huyền Linh


Các hình thức phổ biến pháp luật đang triển khai hiện nay chủ yếu là tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thông qua các hội nghị chuyên đề hay lồng ghép vào các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Tuy nhiên, những hình thức trên chưa thấm nhanh vào nhận thức người lao động (NLĐ). ''Còn một cách TTPBPL dễ thực hiện, có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lại chưa thường xuyên được áp dụng, đó là TTPBPL tại chính nơi họ làm việc qua kênh văn nghệ'', luật gia Lê Thái Sơn (Hội Luật gia TƯ) - người đã dành nhiều công sức để phổ biến pháp luật tới mọi người dân khẳng định.

Theo ông Sơn, có một thực tế đáng tiếc khiến công tác tuyên truyền kiểu truyền thống ở các quận, huyện đang như "nước chảy bèo trôi". Đó là những cán bộ chuyên trách tham gia cuộc họp trợ giúp pháp lý do Sở Tư pháp tổ chức chỉ đến để điểm danh chứ chưa nhập tâm bài giảng. Không ít người thú nhận rằng kiến thức pháp luật vừa khô khan, vừa khó nhớ mà phải ngồi nghe báo cáo viên thuyết giảng trên bục hết điều nọ đến khoản kia thì rất khó nhập tâm, nên hiệu quả của những hội nghị này mới dừng ở mức "cấp trên... phát văn bản cho cấp dưới". Vì thế, các buổi TTPBPL thông qua cuộc họp hay hội nghị dần trở nên mang nặng tính hình thức, khâu triển khai tới địa phương càng nhiều hạn chế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cách thức TTPBPL khá hiệu quả là trình diễn các tiết mục bài vè, phổ nhạc vui hay các tiểu phẩm hài có tình tiết liên quan đến pháp luật tại chính nơi công nhân làm việc lại ít được áp dụng? Trong khi đó, với phương pháp chuyển tải kiểu truyền thống hiện nay thì mới chỉ có rất ít CNLĐ trong doanh nghiệp (DN) dân doanh và CNLĐ trong DN có vốn đầu tư nước ngoài biết rõ về các Luật Công đoàn, Lao động, Bảo hiểm xã hội và những kiến thức pháp luật khác. Chính vì thế, khi bị người sử dụng lao động tước đoạt hoặc xâm phạm quyền lợi, NLĐ cũng không biết cách tự bảo vệ mình.

Để hóa giải việc này, Ban Tư pháp và Ban TTPBPL của các quận, huyện nơi có nhiều NLĐ sinh sống phải chủ trì tổ chức, xây dựng chương trình và mời lãnh đạo các công ty đóng trên địa bàn cùng chung tay thực hiện. Bên cạnh đó, phải có cơ chế mở khuyến khích những đơn vị triển khai tốt. Bởi rõ ràng công tác thông tin tuyên truyền, văn nghệ cổ động trong tình hình hiện nay không chỉ dừng lại ở "cờ, đèn, kèn, trống" mà đòi hỏi phải có tính nghệ thuật cao, sức sáng tạo tốt, tập trung vào riêng nhóm NLĐ mới có tác dụng thiết thực, thu hút được đông đảo anh chị em tham gia. Trong khi đó, chẳng có đơn vị nào lại tự nguyện bớt thời gian để công nhân của mình lĩnh hội quy định về đình công hay các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Lao động nếu thiếu chế tài xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một kênh đơn giản mà hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.