(HNM) - 36 năm trước, khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, hàng ngàn thanh niên xung phong Hà Nội theo tiếng gọi xây dựng Tổ quốc đã nô nức rời Thủ đô mang theo tên đất tên người đến Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới.
36 năm trôi qua, bằng bàn tay cần cù chăm chỉ, những thanh niên ngày xưa và thế hệ kế tiếp ngày nay đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào trở thành một vùng quê trù phú. Mảnh đất Nam Tây Nguyên huyền thoại này đã trở thành quê hương thứ hai của những người con Hà thành, nơi hội tụ và tiếp nối dòng chảy của nền văn hóa đất kinh kỳ nghìn năm tuổi.
Bài 1: Dấu ấn mở đất
Chắc hẳn không một người Hà Nội nào đến vùng đất Nam Ban mà không khỏi bùi ngùi xúc động, bởi ở vùng cao nguyên cách xa hàng nghìn cây số, Hà Nội bỗng hiện ra gần gũi thân thương với những Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ,… Lãnh đạo TP Hà Nội ngày xưa đã có một tầm nhìn xa khi chọn vùng kinh tế mới ở một vị thế hết sức đặc biệt và hơn thế nữa, biết quy hoạch để Hà Nội luôn hiện hữu thân thương bên cạnh những người con xa xứ.
Thanh niên tiền trạm làm nhà đón các hộ dân vào xây dựng vùng kinh tế mới. |
Hành trình tên đất, tên người
Tôi may mắn gặp được ông Phan Hữu Giản, nguyên Phó Trưởng ban Xây dựng vùng kinh tế mới ở Đinh Văn tại buổi trao tặng tập thơ "Lâm Hà trong tôi" - tập thơ được ông chắt chiu những kỷ niệm thời mở đất, tình cảm với vùng đất mới hôm nay và trên hết là nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội của người con xa xứ. Dù đã ở tuổi thất thập, nhưng ông Giản vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây 36 năm, khi ông là một trong những thanh niên tiền trạm thuộc Tổng đội Từ Liêm lên đường đến vùng đất Nam Tây Nguyên vào ngày 9-5-1976. Nhiệm vụ của đội thanh niên tiền trạm là khai hoang, mở đường, xây dựng lán trại, nhà cửa đón người dân vùng kinh tế mới. Khi đó, Nam Ban còn là một khu rừng hoang vu đầy vết tích bom đạn chiến tranh. Những tháng ngày gian khổ phần vì xa quê hương, phần chưa quen với lao động nông nghiệp giữa rừng xa hoang vắng, phần thiếu thốn đủ điều, "làm bạn" với thú dữ, sốt rét rừng, tai nạn và Fulro rình rập phá hoại khiến khắc nghiệt nhân lên gấp vạn lần. Tuy nhiên, những thanh niên tiên phong trong hành trình mở đất không chùn bước, vẫn quyết tâm bám trụ, vững tay cuốc, tay cày. Trong những ngày gian nan ấy, bạn bè ông đã có những người phải nằm xuống vì sốt rét ác tính, Fulro… để có được một mảnh đất phủ đầy màu xanh hôm nay. Cuộc di dân lịch sử bắt đầu từ chủ trương phân bố lại lao động và cư dân trên địa bàn cả nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Trung ương Đảng sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất hai miền Nam - Bắc. Khi đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã "chấm" vùng cao nguyên đất rộng người thưa này là vùng kinh tế mới. Ngày 4-11-1975, Ban Kinh tế mới TP Hà Nội do đồng chí Trần Duy Dương khi đó là Phó Chủ tịch TP dẫn đầu đã vào làm việc với tỉnh Lâm Đồng và sơ bộ khảo sát địa bàn. Ngay sau đó, ngày mùng 6 Tết Bính Thìn (ngày 5-2-1976), Đoàn cán bộ của TP Hà Nội gồm 106 người ở nhiều ban ngành đã lên đường vào tạm trú ở huyện Đức Trọng và tiếp tục khảo sát địa bàn. Cuối cùng, vùng đất Nam Ban - Lán Tranh được chọn là nơi "đất lành chim đậu" nhờ đất đai bazan màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu đẹp, mát mẻ quanh năm lại gần TP Đà Lạt, thuận lợi đường về TP Hồ Chí Minh… có thể phát triển kinh tế. Chọn xong địa bàn, đoàn cán bộ đã khẩn trương triển khai đón lao động tiền trạm vào chuẩn bị cho công tác đón dân vào xây dựng quê hương mới.
Ngày 29-3-1976, những thanh niên tiên phong trong hành trình mở đất thuộc Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm gồm 125 thanh niên đã lên đường vào Đà Lạt, mở đầu cho 8 tổng đội lao động tiền trạm đi Lâm Đồng làm công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất để đón các hộ dân vào xây dựng kinh tế mới. Tiếp theo Gia Lâm là các tổng đội Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng,… mang theo "tên đất tên người" lần lượt lên đường, tổng đội nào được xếp vào khu vực đó theo quy hoạch, người ở Đông Anh thì xếp vào khu Đông Anh, Ba Đình thì vào khu Ba Đình, Hoàn Kiếm vào khu Hoàn Kiếm,... Đến ngày 5-8-1978 đã có 2.662 thanh niên đi tiền trạm vào vùng Nam Ban. Tháng 11-1978, khi công tác chuẩn bị ban đầu đã hoàn thành thì các nông trường quốc doanh số 3 (Lán Tranh), số 4 (Nam Ban) và các HTX sản xuất Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì cũng được thành lập, thay thế các tổng đội thanh niên lao động tiền trạm để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Năm 1987, cuộc di dân tạm khép lại. Hơn 5.000 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu đã chọn vùng đất mới trên cao nguyên này là quê hương mới của mình. Hơn 5.500ha đã được khai phá để trồng lúa nước, cải tạo đồng ruộng và xây dựng công trình giao thông công cộng. Sau hơn 10 năm xây dựng (1976 - 1987), phương hướng sản xuất đã được xác định rõ, mô hình kinh tế nông - lâm - công nghiệp và dịch vụ được hình thành và phát triển. Năng suất sản lượng ba cây công nghiệp thế mạnh là cà phê, chè, dâu tằm được tăng cao; trường học, bệnh viện đã dần đầy đủ. Tháng 6-1987, Vùng kinh tế mới của Hà Nội được bàn giao về cho tỉnh Lâm Đồng. Và ngày 28-10-1987 huyện Lâm Hà được ra đời trên cơ sở lấy vùng kinh tế mới này làm nòng cốt.
Ngày đầu gian khó
Ngôi nhà của ông Kiều Công Luận ở "Khu Hai Bà" nằm yên bình trong khuôn viên rộng đến 7ha, xung quanh là hàng rào với những bụi hoa xinh xinh và vườn cà phê xanh um, hồ cá mát mẻ. Cơ ngơi này được tạo dựng sau 30 năm lao động miệt mài chăm chỉ, kể từ tháng 8-1983, khi chàng trai Kiều Công Luận (quê Phúc Thọ, khi đó đã thuộc Hà Nội) cùng vợ và 4 người con lớn vào vùng kinh tế mới lập nghiệp. Dù đã được 7 năm tuổi kể từ khi lớp thanh niên tiền trạm đầu tiên vào khai phá nhưng vùng này lúc ấy vẫn còn hoang vu lắm, toàn là rừng, tuyệt nhiên không có người, đường đi không có, phải rẽ lau sậy mà đi. Đêm nằm muỗi nhiều vô kể, mà vắt còn dính đến tận giường đeo bám khiến giấc ngủ không yên.
Ngôi nhà ông ở bây giờ, vốn là đất của Nông trường 4. Khi đó từ nhà ra trung tâm xã, là thị trấn Nam Ban bây giờ chỉ có khoảng 6km mà phải đi bộ đến 2 - 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Nói về những ngày đầu tiên, ông cười khi nhớ giai thoại "cuốc đất đêm trăng" mà người dân vùng này nói về mình. Đó là câu chuyện người hàng xóm tối trước khi đi ngủ thấy mảnh đất ấy cỏ tranh cao lút đầu, nhưng sáng ra thì đã thành một khoảnh đất trống với từng thớ đất đỏ au, hóa ra ông đã thức cuốc đất suốt đêm. Mà số lần "cuốc đất đêm trăng" của ông không phải là ít nên đã trở thành giai thoại. Nhưng cũng nhờ chăm chỉ cuốc cày làm lụng mà đất đai cứ ngày càng rộng ra. Mãi cho đến năm 1988 chủ trương cho khai hoang được bao nhiêu thì chỉ cần báo với chính quyền và năm 1991 thì được đo đạc và cấp sổ đỏ, vợ chồng con cái lại cày cuốc ngày đêm cho đến khi đo đạc đã được đến 7ha.
Có đất đến đâu, ông trồng rau, ngô, sắn rồi tổ chức sản xuất theo phương thức vườn ao chuồng hỗ trợ nhau, lấy ngắn nuôi dài. Vườn trồng cà phê thì ông đào ao vừa lấy nước tưới cho cây vừa nuôi cá; nuôi đàn lợn, đàn bò vài chục con lấy sức kéo, lấy thịt, lấy phân,… Vốn là người biết tính toán, ông còn mở nhà máy xay xát gạo, cà phê. Đến nay, cơ ngơi tạo lập miệt mài sau 30 năm của ông đã được 11ha gồm 7ha cà phê, 2ha dâu tằm còn lại là trồng màu cũng đều xung quanh ngôi nhà này, mang lại khoản kinh tế không nhỏ dù những năm sau này, tuổi già cộng với lao lực do lao động quá sức khi xưa khiến ông không còn lao động trực tiếp nữa.
Nhưng ở vùng đất Nam Ban này, cái khổ do thiếu thốn, do vất vả làm lụng thì người lớn còn chịu được, còn cái khổ vì trẻ em không có chỗ học hành, bệnh tật chưa kịp có thuốc men thì không nỗi nào tả xiết. Trẻ con đi học toàn phải mang cơm nắm, đốt đuốc lội bùn băng rừng để đi. Kể về những ngày khó khăn ấy, Phó Chủ tịch xã Phúc Thọ Phạm Minh Liệu cho biết, khi đó học cấp 2 phải ra tận xã Tân Hà, cách khoảng 5km. Không dép, phải lội bộ chân đất, mùa mưa bùn lầy lại rét cắt thịt da, xung quanh toàn rừng già âm u nên toàn phải chạy chứ không dám đi vì sợ. Vì vậy mà khi lên đến cấp 2, toàn xã chỉ có anh và hai người nữa còn theo đuổi học hành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.