(HNM) - Ba tháng lễ hội (từ tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch) thắng cảnh Chùa Hương "Nam thiên đệ nhất động", ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội thu hút hàng triệu du khách thập phương.
Các dịch vụ ăn theo lễ hội mọc lên như nấm, trong đó, như nhiều du khách nhận xét, đáng sợ nhất là tình trạng "cò mồi" dẫn dắt, ép khách tham gia các "gói" dịch vụ như đi đò, ăn uống, ngủ nghỉ... Dù các cơ quan chức năng đều biết "cò mồi" là nguyên nhân chính của tình trạng mất trật tự công cộng, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, song cho đến nay vẫn chưa ai tìm ra "thuốc đặc trị" loại "cò" này.
Theo CSHS đi... bắt "cò"
Năm nào cũng vậy, mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố cũng như huyện Mỹ Đức đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng "cò mồi" chuyên đeo bám khách trảy hội chùa Hương, song cứ dẹp chỗ này lại phình chỗ khác.
Ổ nhóm làm tem giả, vé giả; buôn bán tem giả, vé giả trong Lễ hội Chùa Hương vừa bị bắt giữ. |
Muốn bắt "cò mồi" chặn xe dẫn dắt khách đi lễ hội Chùa Hương, trinh sát hình sự phải cải trang hòa vào dòng xe cộ tấp nập đến từ mọi ngả theo QL21 và các con đường huyết mạch khác từ Hà Nội đi Mỹ Đức từ tờ mờ sáng. Như mọi ngày, mới qua giờ Tý nửa đêm tháng Ba âm, khi cái rét căm căm còn vương lại cũng là lúc các trinh sát Đội Phòng, chống tội phạm trên tuyến và địa bàn, Phòng CSHS - CATP đã lên đường làm nhiệm vụ. Trước khi rời trụ sở Phòng CSHS - CSTP số 7 Thiền Quang, Trung tá Vũ Bá Xiêm, Đội trưởng nắm tay từng trinh sát, dặn dò lần nữa những phương án đã được quán triệt trong việc săn bắt "cò vé", theo đó những yếu tố như trời mưa, đường trơn, đối tượng manh động bất chấp tất cả để "bỏ của chạy lấy người" đều được tính đến.
Chiếc xe ô tô 16 chỗ "mượn" của một doanh nghiệp vận tải đã được ngụy trang khéo léo. Xe mới băng qua cầu vượt Ngã Tư Sở đã lọt giữa các đoàn xe đi trảy hội Chùa Hương, câu chuyện về những thủ đoạn mới của đám "cò" để đối phó với lực lượng chức năng còn chưa ấm đã thấy bóng một chiếc xe máy áp sát mời mọc. Vừa kịp hạ kính xe xuống, thanh niên bịt kín áo mưa điều khiển xe máy thò cả đầu vào trong xe, đảo mắt ngó nghiêng rồi nói như “bắn liên thanh”: “Các bác đi Chùa Hương hả, cầm cho em cái các vi dít này trên đã ghi đầy đủ thông tin về các dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, chèo đò... Cứ gắn cho em lên kính xe vào đến địa phận chùa có người nhà em ra đón?". Mới cầm chiếc các vi dít to gần nửa khổ giấy A4, được ép platic cẩn thận, chưa kịp đọc nội dung trên đó thì một "cò mồi" khác đang đứng bên đường đã lao tới chặn xe chúng tôi. Anh ta cười hềnh hệch, rút từ túi ni lông trong người một chiếc các vi dít và khoe: Các bác cứ cầm tờ giấy này thì tự khắc không có "cò mồi" nào đeo bám nữa...”
Không chỉ bị đeo bám quyết liệt gần khu vực Chùa Hương, ngay nút giao thông Khuất Duy Tiến, nhiều bóng "cò mồi" đội mưa lượn lờ dò xét. Không thể ngờ rằng "cò" từ Chùa Hương giờ đã vào tận nội thành để bắt khách.
Thả ra, "cò" lại tung hoành
Qua Nhà máy Bia Kim Bài lại có thêm đám "cò mồi" nữa đội sùm sụp mũ bảo hiểm, mặc áo mưa, xe dính đầy bùn đất "lượn" sang phải, sang trái bám theo xe. Bất chấp nguy hiểm, hễ có một chiếc xe du lịch nào xi nhan xin vượt cả đám lại rồ ga rượt đuổi, quyết "tiếp thị" bằng được qua những tấm các vi dít "đặc trưng" Lễ hội Chùa Hương. Theo các trinh sát hình sự, khi bị bắt, nhiều đối tượng cho biết từ khi khai hội Chùa Hương, cứ 1h sáng hằng ngày, nhiều "cò" đi xe máy từ xã Hương Sơn ra tận Kim Bài và xa hơn, về tận đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân để đón khách. Mỗi ngày đi lại như thế, "cò" kiếm được từ 150.000-200.000 đồng. Còn theo một "cò" tên Minh (chúng tôi gặp khi dừng xe ở thị trấn Mỹ Đức ăn sáng) cho biết, mỗi ngày bắt khách ở dọc đường để gia đình chở đò cũng kiếm được 300-400.000 đồng.
Theo Phòng CSHS - CATP, từ khi khai hội Chùa Hương, lực lượng cảnh sát của Đội Phòng, chống tội phạm trên tuyến và địa bàn đã phục kích bắt quả tang hàng chục đối tượng "cò mồi" lôi kéo khách đến Chùa Hương. Nếu đồng ý thuê đò, mỗi khách sẽ phải nộp 85.000 đồng cho "cò" và sẽ nhận được một tấm biển quảng cáo để tránh bị các nhóm "cò" khác lôi kéo. Với số tiền thu được, cò mồi sẽ hưởng từ 30-35.000 đồng, số còn lại dùng để mua vé, nộp tiền vệ sinh hoặc được chủ đò chi trả cho các chi phí khác. Đáng chú ý trong số này, đối tượng Nguyễn Đình Liên, chỉ chưa đầy 20 ngày, đã 2 lần bị bắt về hành vi gây mất trật tự công cộng.
Liên quan đến việc dẹp "cò mồi", bảo đảm một mùa lễ hội bình yên, ngày 23-3 vừa qua, CA huyện Mỹ Đức đã tạm giam 5 đối tượng có liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi làm tem giả, vé giả; buôn bán tem giả, vé giả. Cầm đầu ổ nhóm này là Vũ Minh Dũng (SN 1981), ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Vào đầu năm 2012, Dũng đến cửa hàng in ấn của Vũ Thị Huệ (SN 1979), ở đường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để thuê in vé đò, vé thắng cảnh Chùa Hương giả, với số lượng 5.000 vé, gồm 4.500 vé đò và 500 vé thắng cảnh. Huệ tiếp tục nhờ một số cơ sở in khác giúp sức in giả thành công 2 mẫu vé do Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương phát hành này. Các vé giả sau đó được rập số seri. Bước đầu, Huệ giao 2.500 vé cho Dũng tiêu thụ với giá 8.000 đồng/vé. Nhận "hàng" trong tay, vào sáng 2-3, Dũng cùng vợ là Trịnh Thị Nguyên (SN 1989), độn 380 chiếc vé giả với 20 vé thật và đem rao bán. Có khách hàng đã hoàn toàn tin tưởng, mua liền cho Dũng 42 vé thắng cảnh giả với giá 50.000 đồng/chiếc. Nguyên cầm vé đò giả vào Đền Trình nhờ một người quen vào nộp vé cho nhân viên kiểm soát, đổi lấy tiền công. Phát hiện thấy lượng vé đò này có nhiều dấu hiệu nghi ngờ, Ban tổ chức đã báo cho CA huyện Mỹ Đức đến xác minh, làm rõ đây hoàn toàn là vé giả. Ngay sau đó, khi được triệu tập lên cơ quan CA làm việc, Dũng, Nguyên đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Chưa xử lý được tận "tổ"
Trung tá Vũ Bá Xiêm - Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm trên tuyến và địa bàn, Phòng CSHS CATP cho biết: Đối với các đối tượng "cò mồi", gây mất trật tự công cộng, vi phạm lần thứ nhất xử phạt 150.000 đồng, lần hai phạt 200.000 đồng. Còn nếu vi phạm nhiều lần, lực lượng sẽ thu thập tài liệu gửi về địa phương và lập hồ sơ để đưa đối tượng đi giáo dục tại trường giáo dưỡng. Mức xử phạt như vậy là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Trung tá Vũ Thành Công, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Mỹ Đức, cũng thừa nhận sẽ khó dẹp hết "cò mồi" ở Chùa Hương bởi đối tượng "cò" hoạt động với rất nhiều hình thức. Trong khi đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều trường hợp, song do mức xử phạt còn quá nhẹ, khiến "cò mồi" nhờn luật.
Nguyễn Văn Liên - một chủ đò Chùa Hương cho biết: Hơn 2.000 chủ đò ở xã Hương Sơn chẳng ai muốn gọi là "cò mồi" bởi ngoài nghề nông, chúng tôi chẳng có việc gì phụ. Điều mong muốn nhất là Ban tổ chức lễ hội thành lập một hợp tác xã, hoặc tổ chức một cách hợp lý để người dân có việc làm ổn định và đỡ thiệt thòi khi cứ phải đeo bám khách trên đường. Trong khi đó, Ban tổ chức lễ hội chỉ quản lý về số đò, thanh toán và tổ chức nhập vé, mà không xếp thứ tự đò ra, vào... Chính vì vậy, các chủ đò nếu không muốn "ngồi chơi, xơi nước" thì chỉ còn cách tự chèo kéo khách ngay tại bến, hoặc cử người nhà vào trung tâm thành phố đón khách.
Đã qua nhiều mùa lễ hội nhưng tình trạng "cò mồi" quần đảo làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng một lễ hội được xem là lớn nhất cả nước vẫn chưa tìm được "phương thuốc đặc trị" hữu hiệu. Thứ "thuốc" chống "cò" đeo bám tốt nhất đến thời điểm hiện nay, có chăng chỉ là lời khuyến cáo cơ quan chức năng hằng ngày đọc trên loa là: du khách trảy hội Chùa Hương không nên dừng xe, không nhận các vi dít hoặc tiếp lời khi gặp các đối tượng "cò mồi" ép xe trên đường, tránh để mất những khoản tiền chênh lệch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.