(HNM) - Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, kể từ ngày 1-7-2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công ten nơ sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình (thường gọi là
Việc này sẽ giúp quản lý tốt hơn hoạt động vận tải để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Chưa đầy 3 tháng nữa là tới giờ G và lại xuất hiện lo ngại phải lùi thời hạn như đã từng xảy ra với việc chuyển đổi, cấp bằng FC cho lái xe sơ mi rơ mooc...
Khoảng cách giữa GPS và thiết bị giám sát hành trình
Lắp “hộp đen” cho các phương tiện vận tải để góp phần tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Ảnh: Linh Tâm
Theo Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về đào tạo nghiên cứu khoa học (Trường Đại học GTVT), ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) vào lĩnh vực GTVT là xu thế chung của thế giới. Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp (DN) vận tải có uy tín đã chủ động áp dụng công nghệ này để quản lý phương tiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ GPS vào quản lý GTVT" do Báo Giao thông Vận tải và Công ty CP Định vị Tiên Phong (ITD) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết ứng dụng GPS. Với những DN lớn, việc áp dụng sẽ thuận lợi và họ sẵn sàng thực hiện. Ông Đỗ Mạnh Hùng, cán bộ của Mai Linh Đông Bắc bộ cho biết, vài năm nay DN đã ứng dụng công nghệ GPS cho dòng xe Mai Linh Express và xe cho thuê từ 4 đến 15 chỗ, kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhưng với DN nhỏ, hay hoạt động theo mô hình HTX, hộ gia đình sẽ gặp không ít khó khăn. Để tạo thuận lợi cho các DN nhỏ, có sáng kiến cho rằng thiết lập Trung tâm dữ liệu GPS chung cho cả ngành GTVT và ý kiến này được nhiều người ủng hộ.
Tuy nhiên, có khoảng cách trong việc ứng dụng GPS và công tác lắp đặt thiết bị. Theo Thông tư 08/2011/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, GPS chỉ là một trong những yếu tố kỹ thuật cần thiết của "hộp đen". Theo đó, thiết bị giám sát hành trình phải gồm phần cứng (bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, bộ phận nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS, bộ phận thu nhận thông tin lái xe, cổng kết nối, bộ phận thông báo trạng thái hoạt động thiết bị…) và phần mềm phân tích dữ liệu. Thiết bị phải có tính năng liên tục ghi, lưu giữ và truyền phát qua mạng internet về máy tính của DN để lưu trữ các thông tin tối thiểu về quá trình khai thác, vận hành xe như: thông tin về xe, lái xe; hành trình; tốc độ vận hành; số lần, thời gian dừng, đỗ; số lần, thời gian đóng, mở cửa xe…
Lo ngại khả năng đối phó và tiến độ thực hiện
Việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu quan trọng để bảo đảm ATGT. Trung tướng Cao Xuân Hồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, các nước châu Âu đã áp dụng từ lâu và Việt Nam cần sớm lắp đặt loại thiết bị này nhằm giúp cơ quan nhà nước quản lý thuận lợi. Trung tuần tháng 7-2010, không ít phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã cùng đi trên chuyến xe thử nghiệm loại thiết bị này và ngỡ ngàng với những công dụng của nó. Suốt hành trình, thiết bị giám sát ghi, lưu trữ hàng loạt thông tin liên quan tới quá trình vận hành của phương tiện như: tốc độ; hành trình tuyến; số lần, thời gian dừng, đỗ, đóng, mở cửa xe… Thiết bị còn có thể cảnh báo lái xe không được phép điều khiển phương tiện vượt quá thời gian quy định để bảo đảm sức khỏe, hoặc cảnh báo khi vượt quá tốc độ cho phép… Với những thông số kỹ thuật này, lực lượng chức năng có thể dễ dàng bắt lỗi và xử lý hành vi vi phạm. Trong tình huống xảy ra sự cố về tai nạn giao thông, các thông số kỹ thuật lưu lại còn giúp dễ dàng dựng lại hiện trường, xác định nhanh tốc độ trước khi xảy ra va chạm, vết phanh, thời gian phanh để xe dừng lại, xi nhan bật hay tắt, cửa mở hay đóng...
Theo Thông tư 14/2010/TT-BGTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền, DN phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin bắt buộc từ "hộp đen". Chắc hẳn, các đơn vị sẽ không mặn mà với việc này bởi như vậy lái xe của họ sẽ dễ dàng lộ tẩy khi phóng nhanh, vượt ẩu hoặc tranh giành khách bừa bãi… Vì vậy, các DN thường viện vào lý do phải giữ bí mật kinh doanh để "câu" thời gian thực hiện. Tuy nhiên, vì quyền lợi của hành khách, cũng như để bảo đảm ATGT, việc lắp đặt "hộp đen" là hết sức cần thiết để chấn chỉnh hoạt động vận tải còn quá nhiều vấn đề bất cập ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh lo ngại khả năng ứng dụng kiểu đối phó, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là tiến độ thực hiện. Còn nhớ, khi thử nghiệm thiết bị vào tháng 7-2010, cơ quan hữu trách cho biết, phấn đấu ban hành thông tư hướng dẫn ngay trong tháng 7 hoặc tháng 8-2010. Tuy nhiên, hơn nửa năm sau, ngày 8-3-2011, Thông tư 08/2011/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô mới được ban hành và 45 ngày sau đó mới có hiệu lực. Còn hơn 2 tháng nữa, những loại phương tiện vận tải đầu tiên sẽ phải lắp đặt "hộp đen". Liệu có tái hiện tình trạng lùi thời hạn áp dụng? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý cũng như ý thức vì cộng đồng của mỗi DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.