(HNM) - Mấy ngày nay dư luận vẫn bàn không ngớt về Quyết định số 3620 của UBND tỉnh Quảng Ninh - tăng giá vé tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long kể từ ngày 1-12-2011 - một quyết định được cho là
Quyết định ấy được ban hành không lâu sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới sau một cuộc thi bình chọn qua mạng. Việc tăng giá vé tham quan Hạ Long là điều khó tránh bởi mức giá cũ khá thấp so với mức giá ở một số di sản thế giới khác của Việt Nam như Hội An, Mỹ Sơn, Huế… nhưng sự ra đời khá đột ngột, có hiệu lực tức thời thay vì theo một lộ trình thích hợp của một quyết định liên quan đến di sản thế giới nổi tiếng nhất Việt Nam đã khiến quyết định ấy gặp sự phản ứng của nhiều người.
Đại diện một số hãng lữ hành đã lên tiếng phàn nàn về cách làm trên, chủ yếu là về thời điểm tăng giá vé và cái sự tăng ấy không đi liền với sự tăng về chất lượng dịch vụ đối với khách tham quan. Phía các đơn vị lữ hành cho rằng việc thay đổi giá vé tham quan các tuyến, điểm du lịch ở Hạ Long khiến họ gặp rắc rối với khách hàng bởi đa số đi theo đoàn thường đăng ký “tua” trước vài tháng, nửa năm với mức giá “tua” ấn định. Sự thay đổi đột ngột khiến các đơn vị lữ hành không kịp trở tay, hoặc phải mang tiếng với khách để bảo đảm lợi nhuận, hoặc phải bấm bụng chịu thiệt để giữ chữ tín. Tuy nhiên, điều khiến dư luận phàn nàn nhiều hơn cả là quyết định được ban bố ngay sau khi cả nước chung tay đổ tiền, chung sức bình chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (một trong số lý do tăng giá là để "xứng tầm di sản thế giới"), đó không phải là động thái thể hiện sự tri ân, chia sẻ với nỗ lực vì Hạ Long - Quảng Ninh của cộng đồng. Hơn nữa, sự thay đổi về chất lượng dịch vụ, theo hướng "xứng tầm… giá vé" chưa xuất hiện và điều đó đẩy nỗi bức xúc lên cao hơn. Thậm chí trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện câu hỏi về tính hợp pháp của việc ấn định mức giá mới khi so sánh chúng với mức giá trần đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh nói chung và tham quan di sản thế giới đã được ban hành (?).
Vài ngày trước, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị ngừng áp dụng mức giá tham quan mới tại Hạ Long. Thay đổi một quyết định dù hợp lý (về chủ trương tăng giá nói chung), nhưng chưa hợp tình, là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, ngành du lịch Quảng Ninh và các cơ quan quản lý liên quan cần có cam kết và công khai lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Vịnh Hạ Long, kế hoạch bảo tồn di sản, bảo đảm môi trường. Mặt khác, để lấy lại thiện cảm vốn có đối với Vịnh Hạ Long của đa số, ngành du lịch Quảng Ninh cần có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành như áp dụng mức giá đặc biệt dành cho các đơn vị đã có hợp đồng đưa khách đến Hạ Long từ trước. Có thể ban hành quy định bổ sung, áp dụng giá vé thấp hơn hoặc hạn chế "xé" điểm tham quan trong toàn tuyến để bán vé "lẻ" vào một số thời điểm trong năm…
Chuyện phí tham quan danh thắng ở Quảng Ninh là bài học chung cho ngành du lịch, các ban quản lý danh thắng, di sản khác ở Việt Nam. Bất cứ một chủ trương, quyết định nào, biết cân đối hài hòa giữa lợi ích địa phương với lợi ích chung, bao giờ cũng dễ nhận được sự đồng thuận và suôn sẻ trong thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.