Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội nào cho sinh viên ngành xã hội?

Khánh Vũ| 03/04/2012 06:32

(HNM) - Sự khó khăn trong tìm kiếm việc làm của các SV nhóm ngành xã hội đã khiến lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối C sụt giảm liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, cơ hội việc làm của các SV tốt nghiệp một số ngành xã hội không thấp như mọi người tưởng.

Lợi thế ngoại ngữ

TS Bùi Thành Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học của nhà trường cho biết, theo khảo sát mới nhất được thực hiện với các cựu SV thì Khoa Quốc tế học và Đông phương học của Trường ĐH KHXHNV nằm trong nhóm dẫn đầu về thu nhập của SV sau khi ra trường. Trong các chuyên ngành của khoa, Quan hệ quốc tế có số lượng SV đăng kí học đông nhất, thường chiếm trên 50% tổng số SV trong khoa. SV tốt nghiệp Khoa Quốc tế học có thể làm việc ở các tổ chức phi chính phủ, các vị trí biên tập báo, truyền hình, các viện nghiên cứu, các bộ phận hợp tác quốc tế, đối ngoại của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…

Sinh viên tốt nghiệp một số ngành xã hội (Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Ảnh: Bùi Tuấn

Lợi thế của nhóm ngành xã hội nói chung là SV có tố chất và có thời lượng học ngoại ngữ lớn. Đó là yếu tố giúp họ có thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường. TS Phạm Thu Giang, Khoa Đông phương học cho biết, thời lượng học ngoại ngữ của Khoa Đông phương học rất lớn, chiếm tới 40% thời lượng chương trình. Hiện nay, khoa có 5 bộ môn, gồm Korea (Hàn Quốc học), Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á và Australia. Bộ môn Korea có dạy tiếng Hàn và các vấn đề văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội... của Hàn Quốc. Các bộ môn Trung Quốc, Nhật Bản cũng có kết cấu nội dung tương tự. Còn bộ môn Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia thì có giảng dạy tiếng Thái hoặc tiếng Anh. SV tốt nghiệp các ngành này có thể làm tại các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế có liên quan đến ngoại ngữ hay chuyên ngành đã học.

Mặc dù thuộc Khoa Văn học và là ngành kén người học, song theo thầy Nguyễn Phúc Anh, bộ môn Hán Nôm, thì ngành này tạo nền tảng rất tốt để SV học thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn. Sau khi ra trường, hầu hết SV ngành Hán Nôm đều có khả năng sử dụng tốt tiếng Trung và chữ Hán Nôm. Người tốt nghiệp ngành Hán Nôm có thể làm trong các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu như Viện Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Triết học, Viện Tôn giáo, Viện Nghiên cứu lịch sử, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á… Họ cũng có thể làm việc ở các bảo tàng, trung tâm lưu trữ quốc gia, sở văn hóa trực thuộc tỉnh và các cơ quan tư vấn quản lý văn hóa, du lịch khác, tham gia hoạt động giảng dạy văn học, lịch sử tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thầy Nguyễn Phúc Anh còn cho biết, rất nhiều SV Hán Nôm sau khi ra trường, nhờ có vốn tiếng Trung rất mạnh nên được chọn đi học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp; cũng có người nhờ lợi thế về ngôn ngữ nên đã chuyển sang làm các ngành khác có liên quan đến giao lưu kinh tế văn hóa Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, có một số SV Hán Nôm có khả năng đã chuyển sang những hoạt động nghệ thuật như thư pháp, hội họa truyền thống, đông y và khoa học tâm linh.

Có thể làm báo mà không cần học tại Khoa Báo chí

SV thi khối C hiện nay còn có nhiều cơ hội vào ngành Việt Nam học. Đây là một ngành học thích hợp với nhiều loại công việc. TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt cho biết, người tốt nghiệp ngành này có thể dạy các môn xã hội tại các trường ĐH, CĐ, trường phổ thông, nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, tại các cơ quan nghiên cứu văn hóa, làm nhà tư vấn Việt Nam học hay làm trong ngành du lịch. SV Khoa Việt Nam học cũng có thể làm báo, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí và truyền thông, các nhà xuất bản...

Nhiều thí sinh khối C e ngại khi chọn ngành lịch sử bởi lo cơ hội việc làm ít ỏi. Song TS Trần Viết Nghĩa, Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXHNV cho biết, ngành học này có cơ hội việc làm rất rộng. Hiện SV tốt nghiệp ngành Lịch sử làm việc tại rất nhiều trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu thuộc Viện KHXH Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng… Bên cạnh đó, còn có các cơ quan nhà nước và đoàn thể có sử dụng kiến thức lịch sử như các cơ quan trung ương của hệ thống chính trị, cơ quan báo chí, UBND các cấp, bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các đơn vị quản lý di tích lịch sử, các nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành lịch sử… TS Nghĩa còn cho biết, một ngành học có vẻ không "thời thượng" lắm là Khảo cổ học cũng khá dễ xin việc đúng ngành đào tạo. Hơn nữa, nhu cầu của xã hội hiện nay đối với ngành này vẫn còn khá nhiều. Những nơi SV có thể nộp hồ sơ xin việc là Viện Khảo cổ học, các sở văn hóa ở các tỉnh, thành, các trung tâm quản lý và bảo tồn di tích, các bảo tàng… Với khả năng ngoại ngữ tốt, SV còn có thể xin học bổng ở các trường ĐH nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp…

Trong các ngành thuộc khối xã hội, ngành báo chí thường có điểm đầu vào cao khiến nhiều thí sinh e ngại. Tuy nhiên, nếu muốn làm báo, SV có thể học các ngành khác mà vẫn có kiến thức báo chí. TS Phạm Xuân Thạch, Khoa Văn học cho biết: Trong chương trình đào tạo của Khoa Văn học có các môn học liên quan trực tiếp đến ngành báo chí như: Cơ sở lý luận báo chí truyền thông đại cương; Nghiệp vụ báo chí và sáng tác; Lý luận phê bình nghệ thuật (môn học nâng cao kỹ năng viết báo về nghệ thuật); Ký văn học và ký báo chí; Kịch bản văn học và kịch bản sân khấu - điện ảnh… Ngoài ra, hiện nay, Trường ĐH KHXHNV đã chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ, cho phép SV đồng thời có thể theo nhiều ngành học khác nhau. Trong trường cũng có rất nhiều chương trình học bổ sung kiến thức nghiệp vụ, trong đó có nghiệp vụ báo chí, sư phạm, điện ảnh…

Bởi vậy, SV các ngành xã hội có thể tin tưởng vào cơ hội việc làm sau khi ra trường, miễn là họ học tốt, tích lũy nền tảng trong quá trình học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào cho sinh viên ngành xã hội?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.