(HNM) - Ngày mai (3-5), Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một sự kiện quan trọng nhất trong năm của ADB được tổ chức tại Việt Nam.
Vì mục tiêu phát triển của châu Á
Cuộc họp báo của nước chủ nhà Việt Nam diễn ra vào chiều nay (2-5) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội sẽ mở màn cho một chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB. Số liệu cập nhật mới nhất của Ban tổ chức cho thấy, đã có gần 4.000 đại biểu là lãnh đạo cấp cao, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên, các nhà đầu tư, các chủ tịch hội đồng quản trị/tổng giám đốc các tập đoàn tài chính, các ngân hàng, các công ty lớn… đăng ký tham dự.
Dự án Đại lộ Đông - Tây do ADB tài trợ một phần góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc ở TP Hồ Chí Minh. |
Với chương trình nghị sự khá dày đặc (khoảng 40 sự kiện chính), Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về một loạt vấn đề nóng của khu vực đang thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Thị trường vốn và tài chính; Hội nhập và hài hòa hóa các quy định ở châu Á trong môi trường hậu khủng hoảng; châu Á năm 2050 (hội thảo của các thống đốc); cùng nhau hướng tới một quy định tài chính tốt hơn và một sự ổn định ở châu Á; một châu Á thu nhập trung bình, các thách thức về chính sách; thay đổi xu hướng tăng trưởng toàn cầu và dòng vốn vào châu Á… Tất cả đều hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng của châu Á.
- Việt Nam gia nhập ADB năm 1966, nhưng đã bị gián đoạn một thời gian đến tháng 10-1993 mới chính thức được nối lại. - Từ khi nối lại đến tháng 3-2011, ADB phê duyệt cho Chính phủ Việt Nam 114 khoản vay trị giá 9,09 tỷ USD; một khoản bảo lãnh trị giá 325 triệu USD; 255 dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 199,5 triệu USD; 26 dự án tài trợ khác trị giá 150,1 triệu USD. - Việt Nam hiện là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB sau Bangladesh và Pakistan, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, cải cách chính sách… |
Dự kiến diễn giả tại các hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị là Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng các nước thành viên, lãnh đạo cấp cao của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng đến từ các nước thành viên, các nước phát triển, các trường đại học nổi tiếng thế giới như: Havard, Columbia… Hội nghị được đăng tải trên trang web toàn cầu nên thu hút sự quan tâm của dư luận toàn cầu và đã có hơn 400 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham dự đưa tin.
Khẳng định quyết tâm hội nhập của Việt Nam
Kể từ khi nối lại hoạt động viện trợ cho Việt Nam từ tháng 10-1993 đến nay, những đóng góp của ADB với quá trình phát triển của Việt Nam là rất tích cực. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những nước được nhận viện trợ ưu đãi lớn của ADB, và hiện đứng thứ 3 sau Bangladesh và Pakistan. Các dự án, chương trình phát triển do ADB tài trợ cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, cải cách chính sách và tăng cường thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn vốn này không chỉ giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội mà còn giúp hệ thống ngân hàng tăng khả năng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý tài chính, đặt nền móng phòng chống rửa tiền... qua đó, nâng cao vị thế của ngành ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.
Khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Kế hoạnh phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, ADB cũng chuẩn bị Chiến lược đối tác quốc gia cho giai đoạn này. Mục đích mà ADB nhắm tới là gắn liền Chiến lược đối tác quốc gia với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam để đáp ứng một cách hiệu quả nhất những yêu cầu nảy sinh của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của Việt Nam với tư cách một thành viên tích cực với ADB, mà còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam; chứng tỏ uy tín và khả năng tổ chức, quản lý của Việt Nam với các sự kiện quốc tế lớn.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho hội nghị lần này, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi khẳng định, với sự có mặt của khoảng 4.000 đại biểu đến từ 70 quốc gia trên thế giới tại Hà Nội, hội nghị là cơ hội có một không hai để Việt Nam trình bày tiến trình trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.