Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội lớn song hành với rủi ro tiềm ẩn

L.H| 21/07/2010 14:47

(HNMO) - Ông McIntosh, Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel (CBRE là công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới) nhận định: Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt

(HNMO) - Ông McIntosh, Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel (CBRE là công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới) nhận định: Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang dần chuyển vào giai đoạn phức tạp hơn so với trước đây. Thị trường đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư, do đó các chủ dự án và các nhà đầu tư cần phải thích nghi với các thay đổi của thị trường một cách tích cực và chủ động.

Cơ hội đến từ thị trường trung và dài hạn

Theo đánh giá của CBRE, hiệu quả kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam bắt đầu ổn định trong những tháng vừa qua, bởi lượng khách du lịch gia tăng và lượng khách doanh nhân đã quay trở lại sau thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã quay lại thị trường và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng, với nhiều dự án mới đã được giới thiệu. Nhìn chung, nền kinh tế đang tăng trưởng, tiêu dùng gia tăng, đầu tư cơ sở hạ tầng cộng với sự ổn định chính trị xã hội đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông McIntosh chia sẻ: “Ngày càng nhiều cơ hội đầu từ trung đến dài hạn xuất hiện tại Việt Nam bởi những dải bờ biển hấp dẫn, những khu vực núi đồi tuyệt đẹp, các thành phố đông đúc.” “Với ưu thế của Việt Nam là một điểm đến mới mẻ, chưa được khám phá nhiều, nhiều dự án đã được giới thiệu hoặc hoàn thiện thành công trong những năm qua, chứng tỏ rằng Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đầy hứa hẹn cho đầu tư khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng”.

Tuy nhiên, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn là một ngành công nghiệp còn non trẻ, vì vậy, thị trường này dễ chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi liên tục và nhanh chóng. Do đó, các nhà đầu tư có thể rơi vào trường hợp mất cảnh giác và thiếu sự chuẩn bị trước các biến động.


Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở VN luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Cần nghiên cứu kỹ thị hiếu khách hàng và xu hướng thị trường

Ông Mauro Gasparotti, Trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn/khu nghỉ dưỡng CBRE Việt Nam nói: “Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã thay đổi nhiều kể từ giai đoạn trước khủng hoảng, với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án mới đang xây dựng hoặc gần sắp hoàn thiện xây dựng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng càng hiểu biết và đòi hỏi cao hơn so với trước đây. Ngành khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang sẵn sàng tiến tới giai đoạn thị trường dành cho các sản phẩm tinh tế nhắm đến các khách hàng tinh tế”.

Có thể thấy ở các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, có sự khác biệt khá rõ ràng giữa các dự án tiêu chuẩn và dự án cao cấp hơn. Cũng theo ông Gasparotti: “Những thay đổi này không nhất thiết có nghĩa là giá cả và chi phí xây dựng cao hơn, mà là sự kết hợp tốt hơn giữa thiết kế, chất lượng, giá cả và dịch vụ thông qua việc xây dựng kế hoạch phát triển rõ ràng, cẩn trọng, chi tiết, hiệu quả và hiểu biết thị trường hơn. Đây là những điều hiếm thấy ở Việt Nam trước đây”.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ và Châu Âu đã có ảnh hưởng bất lợi đến số lượng khách phương tây du lịch đến khu vực Đông Nam Á, trong khi số lượng khách Trung Quốc và Nga tới khu vực này có vẻ đang gia tăng liên tục. Thông qua các số liệu thống kê mới nhất cung cấp bởi Visa và Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), khách du lịch Trung Quốc đại lục có kế hoạch du lịch nhiều nhất với trung bình 7,4 chuyến đi nghỉ dưỡng và công tác trong vòng hai năm tới, so với chỉ khoảng 5,6 chuyến từ Hồng Kông, điều đó cho thấy rằng các khách hàng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động kinh tế.

Ông McIntosh nhận định: “Xem xét thị trường du lịch ngắn hạn, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy nên tập trung vào phát triển các dự án và dịch vụ hướng đến những khu vực có lượng khách du lịch đang gia tăng. Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng này có thể thay đổi, và rất có thể khách du lịch đến từ khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ tạo một làn sóng mới”.

Một nhân tố quan trọng khác cũng cần phải được xem xét khi phân tích lượng khách du lịch đó là tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. Ông Gasparotti nói: “Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam hiện nay rất thấp. Tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm khi tỷ lệ phần trăm khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ ở hàng đơn vị so với con số 60% ở Thái Lan. Những khách du lịch quay lại là nhân tố quan trọng đối với thị trường nhà ở nghỉ dưỡng, vì thông thường, khách du lịch nước ngoài chỉ mua nhà nghỉ dưỡng tại một quốc gia khác khi họ ưa thích nơi đó đến mức muốn quay trở lại đó nhiều lần.


Một góc Vinpearl Land Nha Trang 

Ông McIntosh bổ sung thêm: “Việt Nam có khả năng gia tăng đáng kể lượng khách nước ngoài mua nhà nghỉ dưỡng ven biển khi cơ sở hạ tầng quốc gia hoàn chỉnh và các chính sách khuyến khích phát triển du lịch được hoàn thiện nhằm thu hút du khách quay trở lại hoặc kéo dài thời gian nghỉ dưỡng”.

Một lượng nhu cầu đáng kể trong ngành kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang hình thành từ đối tượng khách nội địa. Cũng giống như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu du lịch trong nước ở Việt Nam vẫn là nguồn kinh doanh chính của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng địa phương. Đề cập đến vấn đề này, ông Mauro có ý kiến: “Khách du lịch địa phương cung cấp tiềm năng lớn cho các dự án phát triển khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chính đối tượng khách này cũng đang thay đổi nhanh chóng, do vậy, điều quan trọng là các chủ đầu tư dự án cần nhận ra những thay đổi đó. Khách du lịch Việt Nam hiện nay đã không giống những năm trước đây, họ đòi hỏi cao hơn, quan tâm nhiều đến giá trị và dịch vụ, và nắm bắt được nhiều thông tin hơn”.

Ông McIntosh đề cập thêm: Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, những chủ dự án thấy trước được những thay đổi của người tiêu dùng và điều này giúp họ có thể tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường. Việc các chủ dự án chỉ đơn thuần lặp lại các thiết kế sẵn có mà không nghiên cứu kĩ những thay đổi của thị trường có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro trong một thị trường đang phát triển nhanh như ở Việt Nam.”

Việt Nam vẫn còn là thị trường mới mẻ, hấp dẫn cho nhiều dự án mới với các sản phẩm độc đáo. Theo ông McIntosh, còn nhiều cơ hội chưa được khám phá với tiềm năng rất lớn cho các sản phẩm mới, tuy nhiên rủi ro dành cho những người tiên phong là sẽ lớn hơn.

“Các khách sạn và cơ sở lưu trú bình dân ở Việt Nam vẫn đang được điều hành độc lập, hệ thống quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém về thương hiệu và không có các thiết kế hoặc dịch vụ đạt chuẩn. Ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bình dân thường có lợi nhuận cao, nhưng các chủ đầu tư phải làm việc chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, nhà điều hành và các đơn vị kiến trúc… Với mức giá phòng khoảng 20-30 USD một đêm, bạn phải chắc chắn rằng chi phí của bạn được kiểm soát tốt”.

Tương lai thị trường khách sạn và khu nghỉ dưỡng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Ông McIntosh nhận định rằng: “Cho dù thị trường có những thay đổi, nếu các chủ dự án và nhà đầu tư chủ động tích cực thích nghi với những thay đổi thị trường và cung cấp các sản phẩm mới mẻ, sáng tạo, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển trung và dài hạn vào ngành công nghiệp khách sạn và nghỉ dưỡng của Việt Nam”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội lớn song hành với rủi ro tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.