(HNM) - Sau gần 3 năm và 14 vòng đàm phán tích cực, Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc đối với Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Đây là một trong những hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại những lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp hai bên.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng những lợi ích cụ thể gì khi FTA có hiệu lực?
- Ngay ngày đầu tiên có hiệu lực, 71% hàng EU xuất sang Việt Nam và 65% hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình tiếp theo, đối với Việt Nam là 10 năm, EU là 7 năm, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu 99% số dòng thuế. Như vậy, cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu đã được mở rộng đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn và một số loại nông sản của EU.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen. |
- Tại sao lại có sự khác biệt trong lộ trình mở cửa thuế quan giữa Việt Nam và EU?
- Sự chênh lệch về lộ trình giảm thuế là do mức độ phát triển khác nhau giữa hai nền kinh tế. Vì hiệp định đàm phán theo tiêu chuẩn quốc tế nên sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần sự thay đổi dài hơi hơn EU để đáp ứng với những tiêu chuẩn này. Khoảng thời gian như vậy là cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam có thời gian thích nghi. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng cao đã đề ra. Nói một cách cụ thể, họ sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường có mức thu nhập bình quân đầu người trên 24.000 USD/năm, số lượng người tiêu dùng lên tới 564 triệu người.
- Tại sao nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, gạo, thủy sản… xuất sang EU đều phải chịu hạn ngạch và có lộ trình dỡ bỏ dần dần thưa ông?
- EU đang áp dụng cơ chế rất ưu đãi cho mặt hàng dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên theo quy định, các mặt hàng này phải bảo đảm quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép. Tức là, để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam, cắt may cũng tại Việt Nam. Các mặt hàng khác như gạo, thủy sản, Việt Nam cần nâng tầm sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã đề ra trong hiệp định.
- Ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi FTA được ký kết và có hiệu lực?
- Theo tôi, thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ về nội dung của hiệp định để chuẩn bị tốt nhằm thích nghi được tiến tới thu được lợi ích tốt nhất từ FTA. Thứ hai, chúng ta cần lưu ý về các quy định nhập khẩu của EU, các tiêu chuẩn mà EU đặt ra, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người Châu Âu thực sự rất coi trọng vấn đề này, bản thân các doanh nghiệp Châu Âu cũng luôn phải đặt các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng lên hàng đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiện đại hóa hệ thống sản xuất và nâng cao mức đáp ứng tiêu chuẩn của mình.
- Ông có thể cho biết khi nào FTA giữa Việt Nam và EU chính thức được ký kết?
- Sau bước đột phá này, các thảo luận kỹ thuật như rà soát pháp lý, dịch văn kiện... sẽ được hoàn tất. Do quan hệ hợp tác với Việt Nam đã được thiết lập trong nhiều năm và được tăng cường bởi quá trình đàm phán này, nên thời gian tiến tới một lễ ký kết chính thức chắc chắn không kéo dài, dự kiến vào cuối năm nay.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.