Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội không tự nhiên đến

Thanh Hiền| 08/03/2016 06:52

(HNM) - Năm 2016, một số hiệp định thương mại (FTA) chính thức có hiệu lực, cơ hội lớn sẽ mở ra với ngành Dệt may (DM) Việt Nam, nhưng cơ hội không tự nhiên đến.


Thách thức nhiều hơn cơ hội

Năm 2016, các FTA sẽ là lực đẩy để hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực để đón đầu các hiệp định. Đơn cử như FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực đối với phần lớn các mặt hàng DM từ Việt Nam vào Hàn Quốc với thuế suất 0% từ ngày 1-1-2016, thay vì 8-13%. Cơ hội này sẽ mang lại cho ngành sự tăng trưởng đáng khích lệ vì Hàn Quốc là một trong 4 thị trường lớn của Việt Nam, đồng thời là thị trường mới, còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là ở Việt Nam đang có khá nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực DM. Những doanh nghiệp Hàn Quốc này được hưởng lợi cả về thị trường, chính sách thuế theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Vì hiện nay xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là do doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Ngành Dệt may gặp nhiều thách thức khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng. Ảnh: Thái Hiền


Thị trường xuất khẩu hàng DM vào Mỹ cũng sẽ có nhiều thay đổi xuất phát từ thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ chỉ mua hàng khi thời điểm giao mùa cận kề. Xu hướng này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải rút ngắn thời gian giao hàng nếu muốn "giữ chân" khách hàng Mỹ. Nếu doanh nghiệp Việt không chuyển đổi kịp thời sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của những dạng đơn hàng kiểu này.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, đến nay ngoại trừ nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu cho thấy đã phục hồi, còn những thị trường như Châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tín hiệu tăng trưởng kinh tế không cao. Dự báo, giá dầu tiếp tục ở mức thấp chứng tỏ nguồn giá nguyên liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến DM, như xơ polyeste, các xơ sợi làm từ các sản phẩm tổng hợp từ hóa dầu cũng sẽ thấp. Điều này sẽ kéo theo các sản phẩm tự nhiên như bông, các cây có sợi khác cũng phải giảm giá để cạnh tranh... Ngoài những thách thức về phát triển công nghiệp phụ trợ để đón đầu cơ hội từ Hiệp định TPP và các FTA, năm 2016 các doanh nghiệp DM còn phải đối mặt với áp lực lớn từ việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, cạnh tranh về lao động trong ngành khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đổ vốn vào thị trường Việt Nam; về chính sách tăng lương tối thiểu, tăng số tiền trích nộp bảo hiểm xã hội... dẫn đến chi phí tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Cơ hội mà TPP và các FTA mang lại cho Việt Nam là rất lớn, nhưng không phải tự nhiên đến. Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú, Phạm Xuân Trình chia sẻ, thực chất TPP là hiệp định cắt giảm thuế trong việc mua bán hàng hóa của nhau giữa 12 nước thành viên. Tuy nhiên, nếu giá nhập khẩu này vẫn cao hơn các nước ngoài TPP, đương nhiên nước nhập khẩu sẽ chọn nước ngoài khối để nhập khẩu. Như vậy, rõ ràng vấn đề nội lực doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc buộc phải tìm ra được mặt hàng gì để phát triển và xuất khẩu vào các nước TPP có giá trị thuế tuyệt đối giảm nhiều nhất, nhanh nhất, giá sản phẩm thấp hơn các nước khác.

Để giải quyết những thách thức trên, Vinatex đã, đang triển khai nhiều giải pháp để nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư và nhiều dự án nhà máy mới đã hoạt động. Ông Lê Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư của Vinatex cho biết, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược chuyển đổi dần mô hình sản xuất từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (từ thiết kế đến bán sản phẩm); chủ động hình thành chuỗi cung ứng DM và có bước chuẩn bị các khâu từ sợi - dệt nhuộm hoàn tất - may - phân phối. Năm 2015, hàng loạt các dự án nằm trong định hướng các chuỗi liên kết đã được Tập đoàn triển khai trên cả nước.

"Với quy hoạch của Tập đoàn, các doanh nghiệp sẽ tạo nên liên kết nhịp nhàng từ ba miền Bắc - Trung - Nam, không chỉ làm nên dịch vụ hoàn chỉnh cho khách hàng, mà còn hướng tới một dịch vụ cung ứng khác biệt. Ngoài ra, một loạt các dự án về an sinh xã hội như nhà ở của công nhân tại các đơn vị thành viên, các dự án về môi trường xử lý nước thải tại các đơn vị dệt nhuộm đã được thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu cho sản xuất" - ông Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội không tự nhiên đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.