(HNM) - Mới đây, trong một cuộc trao đổi quy mô toàn quốc về giải pháp nâng cao văn hóa đọc ở Việt Nam, hầu hết các đại biểu đều băn khoăn rằng nhu cầu đọc ngay từ thơ bé của mọi trẻ em chưa được quan tâm đúng mức.
Bên những nhận định dựa trên số liệu điều tra, như "ngân sách" của gia đình chi cho việc mua sách báo của trẻ em quá ít ỏi, còn có nhiều ý kiến dựa trên sự quan sát, phân tích thực tế. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (Đài Truyền hình Việt Nam) thẳng thắn: "Chính sự nhồi nhét kiến thức không tưởng ở nhà trường phổ thông là nguyên nhân chính khiến văn hóa đọc bị triệt tiêu từ trứng nước. Đừng nói là đọc sách, học sinh gần như không có cả thời gian để chơi, để giải trí, trừ tháng hè". Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sách và Thương mại Hà Nội dẫn ví dụ: ở Pháp, người ta xuất bản những cuốn sách an toàn, thích hợp cho trẻ em ngay từ 3 tháng tuổi. Một ví dụ khác, như ghi nhận của người viết thì ở Melbourne (Australia) có thư viện sách và đồ chơi dành cho trẻ… mẫu giáo. Những cô cậu… đang "đeo bỉm" nhưng đã có thẻ thư viện đàng hoàng. Và việc đọc sách đến tự nhiên từ những điều kiện thuận lợi như thế.
Dẫn ra các ví dụ không nhằm so sánh, cho dù có thể có phản xạ so sánh từ người đọc. Nên xem đây như là gợi ý trong việc bồi dưỡng niềm yêu sách và tạo dựng văn hóa đọc cho trẻ ngay từ nhỏ. Cứ nhìn cảnh xe thư viện chở đầy sự chăm chú của trẻ em (ở các vùng sâu vùng xa đã đành, mà ở ngay khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thế) đủ thấy trẻ yêu sách tự nhiên và cũng "đói" đọc đến thế nào. Không ngạc nhiên khi một học sinh tiểu học trả lời: Giờ học yêu thích nhất ở trường của cháu là giờ… đọc sách.
Nhiều hoạt động như hội chợ, ngày sách và văn hóa đọc… được tổ chức trong những năm gần đây đã xới xáo lại vấn đề văn hóa đọc. Nhưng, sự thành bại của việc bồi đắp tình yêu sách còn phụ thuộc vào những việc tưởng rất nhỏ, như là thỏa mãn nhu cầu đọc đầy đủ của giới trẻ ngay từ thuở bé thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.