(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường lao động ở nước ta duy trì đà phục hồi và từng bước phát triển. Đây là cơ hội cho nhiều ngành tăng tốc, bứt phá, trong đó có ngành Bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động.
Mở rộng “cánh cửa”
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là những người trong độ tuổi lao động, có nguồn thu nhập đều đặn. Do đó, việc mở rộng diện bao phủ, phát triển số người, đối tượng tham gia chính sách này tỷ lệ thuận với sự ổn định, tăng trưởng của thị trường lao động.
Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III-2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, lực lượng lao động của cả nước đạt gần 52 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý II-2022 và tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 1,6 triệu đồng so với quý III-2021. Cùng với đó, tình hình thất nghiệp trong độ tuổi lao động duy trì xu hướng giảm. Kết quả này mở rộng “cánh cửa” cho ngành Bảo hiểm xã hội phát triển về nhiều mặt.
Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Dương Văn Hào cho biết, đến thời điểm cuối quý III-2022, cả nước có hơn 17,24 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 2,7 triệu người, tương ứng với mức tăng 18,55% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, nhưng hiện đã khắc phục được tình trạng nợ đóng, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Chị Vũ Thị Lan, chuyên viên hành chính - nhân sự của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Thành Phố Xanh (Hà Nội) cho biết: “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, quý III-2022, công ty đã khắc phục toàn bộ hơn 2,6 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho gần 200 người lao động”.
Dưới góc độ người lao động, chị Lê Thị Trúc, công tác tại Trường Đại học Hòa Bình (phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Ngay sau khi nhà trường khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội, tôi được chi trả tiền trợ cấp thai sản hơn 40 triệu đồng. Nhờ đó, tôi yên tâm làm việc và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội”.
Nhiều giải pháp duy trì đà tăng
Cùng với những tín hiệu tích cực, việc thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn không ít khó khăn, hạn chế. Số người tham gia chính sách còn thấp, hiện mới đạt 34,84% lực lượng lao động trong độ tuổi. Điều đáng quan tâm, lực lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động) dù được khuyến khích, hỗ trợ để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng hiện mới có hơn 1,51 triệu người tham gia.
Để hoàn thành mục tiêu, từ nay đến cuối năm, ngành Bảo hiểm xã hội cần thu hút thêm hơn 1,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (1,17 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, gần 766.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). Con số này bằng gần 70% tổng số người đã phát triển được trong 9 tháng năm 2022, nên không dễ thực hiện.
Giải pháp nền tảng được nhiều bên quan tâm thực hiện là hỗ trợ cho thị trường lao động phát triển bền vững. Theo đó, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số chính sách nhằm phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để chính sách này là công cụ quản trị thị trường lao động, hạn chế người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp…
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, việc tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn là yếu tố xương sống để các ngành chức năng, địa phương có định hướng, tạo cơ hội việc làm chất lượng cho người lao động.
Dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các ngành chức năng đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách liên quan. Trước mắt, các cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ quan Thuế rà soát lại hơn 163.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động (tính đến tháng 9-2022) để vận động người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, hạn chế bỏ lọt trường hợp đủ điều kiện mà không được tham gia. Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển cho hệ thống dịch vụ thu trên địa bàn; chủ động tham mưu chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân…
Theo định hướng chung, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường lao động phát triển, mở rộng số người, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tham mưu UBND thành phố tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy thị trường lao động. Còn Bảo hiểm xã hội thành phố đã và đang phối hợp với các địa phương nhân rộng những mô hình điểm về phát triển bảo hiểm xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.