(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới cũng như trong nước, khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm sâu. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này chính là cơ hội cho các khoản đầu tư dài hạn.
Hồi phục sau khi giảm sâu
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường chứng khoán trong nước trải qua quý giao dịch đầu tiên của năm 2020 với mức giảm 31,06%. Nếu chỉ tính riêng tháng 3, chỉ số VN-Index giảm 24,9%, tháng giảm điểm kỷ lục. Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 3, VN-Index còn 660 điểm. Đáng chú ý, phiên ngày 9-3 đánh dấu một ngày buồn cho thị trường khi chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm (6,28%), mức giảm sâu nhất kể từ năm 2002.
Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Huy (chung cư An Bình City, quận Bắc Từ Liêm), thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh bởi thị trường thế giới đồng loạt lao dốc do dịch Covid-19 có diễn biến mới.
Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giá dầu thế giới giảm mạnh, dịch Covid-19 lan rộng sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khiến số người mắc và tử vong gia tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới, từ đó tác động đến thị trường trong nước. Cùng với đó, tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch bệnh ở Việt Nam khi số ca mắc bệnh mới tăng. Những yếu tố xấu cộng hưởng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “rơi” mạnh.
Trước diễn biến của thị trường, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 1 ngày, đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh giải pháp mua vào cổ phiếu của chính mình khi giá "rơi" quá sâu so với giá trị nội tại của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC, trong đó điều chỉnh giảm giá 10%-50% đối với 9 loại dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 loại dịch vụ chứng khoán. Thời gian áp dụng từ ngày 19-3 đến hết ngày 31-8-2020.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh giá dịch vụ chứng khoán là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được cơ quan quản lý đưa ra. Thông tư được ban hành chỉ trong thời gian rất ngắn thể hiện sự nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ thị trường. Đến tháng 8 tới đây, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư trong trường hợp cần thiết.
Điều đáng mừng là sau đợt giảm sâu trên, số tài khoản chứng khoán tăng mạnh. Thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, thời điểm ngày 31-3 có hơn 2,4 triệu tài khoản chứng khoán trong nước và 33.000 tài khoản nước ngoài đang giao dịch, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2-2020; trong đó, tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất kể từ tháng 3-2018. Với làn sóng nhà đầu tư trong nước lập tài khoản mới và kích hoạt tài khoản cũ, dòng tiền "bắt đáy" đã giúp VN-Index có nhiều phiên hồi phục trong hai tuần đầu tháng 4, đặc biệt có phiên VN-Index tăng tới 34,95 điểm (4,98%), lên 736,75 điểm, là phiên có mức tăng mạnh nhất trong 19 năm qua.
Nhà đầu tư nên mua vào nếu sẵn tiền mặt
Mặc dù thị trường đã có sự hồi phục trong 2 tuần trở lại đây nhưng vẫn ở mức rất thấp so với thời điểm đầu năm 2020. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn.
Tiến sĩ, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh, về quanh giá trị thực, thậm chí có cổ phiếu đã về dưới giá trị thực. Vì vậy, nhà đầu tư có tiền mặt nên mua vào lúc này nhằm đầu tư dài hạn, đặc biệt là mua cổ phiếu của những ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Thông thường, sau các đợt suy thoái, ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường luôn phục hồi mạnh nhờ sự gia tăng sản xuất, kinh doanh qua các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế”, ông Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, thời gian qua hơn 60% cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách. Con số này cao hơn cả thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì vậy, những nhà đầu tư dồi dào tiền mặt nên cân nhắc tham gia thị trường.
Về triển vọng thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh phân tích, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, cùng với đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn. Đó là gói tín dụng 285.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; đề xuất của Bộ Tài chính thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ ngày 1-7-2020. Chưa kể, Chính phủ đang có động thái rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Do đó, triển vọng phục hồi của kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng là tương đối sáng sủa.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, quan điểm điều hành thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay và thời gian ngắn hạn sắp tới là bảo đảm hoạt động liên tục, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quy luật quan hệ cung - cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chứng khoán trong và ngoài nước để kịp thời thông tin đến nhà đầu tư; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để thao túng, trục lợi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.