(HNM) - Khép lại năm 2013 đầy biến động cùng hàng loạt khó khăn về kinh tế cũng như bất ổn xã hội, Châu Âu bước vào năm 2014 đầy lạc quan với những chỉ số tích cực.
Sau 4 năm vật lộn với cơn bão nợ công nghiêm trọng tới mức được đánh giá là có thể phá tan mọi thành quả mà Liên minh Châu Âu (EU) đã tạo dựng hơn nửa thế kỷ qua, năm 2013 được ghi nhận là năm Cựu lục địa có nhiều bước đi quyết liệt nhằm đưa nền kinh tế chung thoát khỏi "miệng vực" của đổ vỡ. Không còn xem thắt chặt chi tiêu là lối thoát duy nhất, các nhà lãnh đạo đã mạnh mẽ triển khai chính sách chống trốn thuế, thành lập liên minh ngân hàng, tập trung tạo việc làm cho lao động trẻ… Hiệu quả của những chính sách này chưa thể nhìn thấy lập tức nhưng theo nhiều chuyên gia, chúng sẽ có tác động kể từ năm 2014. Tờ Ouest-France (Pháp) còn đưa ra nhận định rằng năm 2014 sẽ là năm của Châu Âu. Khẳng định này không chỉ xuất phát từ cuộc bầu cử nghị viện quan trọng vào tháng 5 tới mà còn từ những dấu hiệu cho thấy Lục địa già có nhiều cơ hội tiếp tục đà phục hồi kinh tế.
Nền kinh tế Châu Âu được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2014. |
Dù chưa thể nói rằng, cơn khủng hoảng tồi tệ đã rời xa Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhưng rõ ràng là cơn bão nợ nần đã chững lại. Hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp vẫn trụ vững. Các nền kinh tế từng rất lao đao như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp… cũng đã qua thời điểm nguy kịch nhất. Dự báo của các chuyên gia kinh tế từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy, sự phục hồi đồng loạt của các nền kinh tế tại châu lục có thể đến từ cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Tỷ lệ tăng trưởng của toàn khu vực được dự báo là 1%. Ba Lan, Đức và Anh có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất lần lượt là 2%, 1,5% và 1,8%, tiếp sau là Pháp với 0,8% và Tây Ban Nha 0,2%.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa Cựu lục địa đã thoát khỏi vòng nguy hiểm. Dù đã chống chọi thành công trong suy thoái, nhưng Châu Âu vẫn đang trong một giai đoạn khó khăn kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan. Tất cả được cho là hậu quả của các chính sách khắc khổ mà một loạt quốc gia đã và đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và tiền tệ triền miên suốt 4 năm qua.
Khủng hoảng việc làm là một trong những vấn đề mà Cựu lục địa phải đối mặt. Cùng với đó, 120 triệu người dân châu lục đang sống trong nghèo túng, làn sóng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng song hành với tâm lý bài ngoại. Nguy cơ gia tăng bất ổn chính trị và náo loạn xã hội tại Châu Âu giờ đây được dự báo cao hơn các khu vực còn lại trên thế giới từ hai đến ba lần. Kéo theo đó là nguy cơ bất ổn an ninh ngày càng gia tăng. Hay nói một cách khác, chính phủ các nước Châu Âu đang đối mặt với một nghịch lý rằng, bất chấp thực tế cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ đã chấm dứt, song người dân ở lục địa này vẫn phải tiếp tục vất vả mưu sinh. Tất cả những điều này đang khiến tương lai của Châu Âu trở nên bấp bênh hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ sau Thế chiến thứ hai. Báo cáo của Oxfam có nhan đề "Cuộc khủng hoảng gay gắt do tình trạng thắt lưng buộc bụng và bất bình đẳng của Châu Âu" cũng cho rằng, số người dân ở châu lục này bị rơi vào cái bẫy nghèo đói có thể sẽ tăng thêm 25 triệu trong thời gian tới nếu chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn tiếp tục được áp dụng.
Các chuyên gia phân tích cũng nhận định, điều cần thiết phải thực hiện trong năm 2014 đối với Châu Âu là bằng mọi cách củng cố niềm tin của người dân. Những nỗ lực này sẽ mất khá nhiều thời gian bởi các quốc gia Eurozone đang cố gắng để có được những đồng thuận về chính trị và tài chính. Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết nữa là hạ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức báo động tại hàng loạt quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, việc thực thi mạnh mẽ chính sách tăng trưởng kinh tế là chìa khóa quan trọng và được xem là nền tảng để giải quyết mọi bất ổn, giúp Châu Âu dần lấy lại ánh hào quang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.