(HNM) - Cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đã có sự chuyển biến nhanh chóng khi Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận đột phá sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước tại Geneva (Thụy Sĩ).
Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đã mang đến hy vọng hòa bình tại Syria. |
Theo đó, sau cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày Washington và Mátxcơva đã thống nhất kế hoạch về vấn đề kiểm soát và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Damascus. Hai bên đã nhất trí đưa ra một loạt các bước mà Chính phủ Syria sẽ phải tuân theo. Để chứng minh sự thiện chí, trong vòng một tuần chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad phải đưa ra danh sách các kho dự trữ vũ khí hóa học và các thanh sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Syria vào tháng 11 tới. Danh sách này sẽ phải nêu cụ thể tên, loại và hàm lượng các vũ khí hóa học, địa điểm và hình thức lưu giữ, các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Nga và Mỹ nhất trí rằng, việc kiểm soát hiệu quả nhất số vũ khí ở Syria có thể đạt được bằng việc di chuyển chúng dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên hợp quốc (LHQ) để phá hủy ở bên ngoài đất nước Trung Đông. Mục tiêu di dời hay phá hủy số vũ khí hóa học ở Syria là vào giữa năm 2014. Nếu Syria không tuân thủ các thủ tục để loại bỏ vũ khí hóa học, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ xem xét khả năng sử dụng vũ lực theo Chương 7 của Hiến chương LHQ.
Nếu so sánh tình hình hiện tại với những gì diễn ra cách đây hơn 1 tuần, khi mà Mỹ dồn dập điều động tàu chiến, khí tài quân sự để chuẩn bị khai hỏa cuộc chiến mới tại Trung Đông, thì đến nay, bầu không khí chiến tranh đã được hóa giải phần nhiều nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Mátxcơva. Điều này càng được khẳng định khi Mỹ và Nga cùng nêu rõ, thỏa thuận vừa đạt được không đề cập đến việc sử dụng vũ lực và cuộc hội đàm đạt mục tiêu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra. Hai bên đều xác nhận sẽ theo đuổi một giải pháp hòa bình. Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry sẽ lại gặp nhau lần nữa tại New York (Mỹ) bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ (vào ngày 28-9 tới) để thảo luận những bước đi tiếp theo. Theo ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab về Syria, việc loại bỏ vũ khí hóa học sẽ là yếu tố quan trọng trong những nỗ lực giúp phục hồi kế hoạch cho hội nghị hòa bình mới tại Geneva, sau nỗ lực không thành công trước đó hồi năm ngoái (Geneva 1). Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt những hành động chiến sự và bạo lực, đồng thời phải tổ chức Hội nghị Geneva 2 càng sớm càng tốt.
Thế giới đã đồng loạt lên tiếng sau khi Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận về vấn đề Syria. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Anh William Hague và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đều tuyên bố, kế hoạch đạt được là một bước tiến đầy ý nghĩa, có thể tạo ra cơ hội mới cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh việc hai cường quốc lớn Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận và cho rằng đây là cơ sở để chấm dứt "nỗi thống khổ" của người dân Syria.
Tuy nhiên, tình hình nội bộ của quốc gia Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp đe dọa việc thực thi cam kết phi vũ khí hóa học của Damascus. Hiện tại, phe đối lập Syria đã có những phản ứng tiêu cực khi thủ lĩnh Quân đội Syria Tự do (FSA) Selim Idriss lên tiếng bác bỏ thỏa thuận vừa đạt được của Nga - Mỹ. Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập cũng đã bầu ông Ahmad Tumeh, một người Hồi giáo theo đường lối ôn hòa, làm Thủ tướng lâm thời với trọng trách khôi phục trật tự ở các khu vực hiện không thuộc quyền kiểm soát của Tổng thống B.Al-Assad. Trong khi đó, có thông tin cho rằng phiến quân Syria đã đặt mua hóa chất để sản xuất chất độc thần kinh sarin từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhiều nguồn tin, Mặt trận Al-Nusra và nhóm Ahrar Al-Sham đã tìm cách thu mua một lượng lớn khí độc thần kinh sarin và các hóa chất khác tại quốc gia này để sau đó tuồn sang Syria và điều chế các chất độc hại...
Vì vậy, tìm ra giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria đã vô cùng khó khăn thì việc thực hiện nó cũng không hề dễ dàng. Song có thể nói rằng, bước đi rất dài vừa đạt được đang giúp dần tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh tại quốc gia Trung Đông. Dư luận thế giới đã bắt đầu đặt niềm tin vào một viễn cảnh hòa bình tại đất nước đã hơn 2 năm ngập chìm trong nội chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.