Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có hòa cả làng?

Nguyễn Đức| 10/07/2015 07:16

(HNM) - Chuyện thu hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đã làm


Việc thu phí với ô tô khá thuận lợi thông qua hệ thống đăng kiểm. Ngay từ những ngày đầu, chủ xe đã xếp hàng tại trạm đăng kiểm để nộp phí. Kết quả hết sức tích cực. Thế nhưng, với xe máy, mới triển khai đã nảy sinh không ít vấn đề. Theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, chủ xe nộp phí qua UBND xã, phường, thị trấn.

Việc thu phí bảo trì với xe máy khi đó đã được xác định là dựa vào tinh thần tự giác, tự nguyện, tự khai của người dân. Bên lề hội nghị tổng kết năm 2012 của Bộ GT-VT (diễn ra ngày 10-1-2013), trước những lo ngại liên quan đến chuyện thất thu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Nếu không nộp, sẽ truy thu phí tính từ ngày 1-1-2013!

Cả nước có gần 40 triệu xe máy, nếu thu đủ, mỗi năm sẽ có khoảng 2.400 tỷ đồng cho việc bảo trì đường bộ - một con số không nhỏ. Thế nhưng, trên thực tế, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vẫn hết sức ì ạch vì dựa trên tinh thần tự giác, tự kê khai của người dân là chính. Sở dĩ có hình thức thu như vậy bởi công tác quản lý xe máy hiện nay đang có nhiều vấn đề, nếu không muốn nói là quá yếu kém.

Rất nhiều xe máy lưu thông đã qua nhiều lần… đổi chủ và "qua mặt" cơ quan chức năng bằng việc không sang tên, không khai báo... Như vậy, chuyện cơ quan chức năng dựa vào sự tự nguyện, tự giác của người dân để có thêm kinh phí bảo trì đường bộ chẳng khác chuyện… ôm cây đợi thỏ! Đã vậy, việc tổ chức thu phí lại giao cho chính quyền cơ sở. Thử hỏi, trong bối cảnh chưa có chế tài xử phạt, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở "quyền rơm, vạ đá" lại phải kiêm nhiệm nhiều việc có thể làm được đến đâu?

Không phải các cơ quan chức năng không lường được khó khăn nói trên. Trước đây cũng có đề xuất thu phí qua xăng dầu. Người đi nhiều trả nhiều, người đi ít đóng ít, ở nhiều khía cạnh có thể xem là công bằng. Thế nhưng, cách làm này lại không công bằng với người sử dụng nhiên liệu cho sản xuất, khai thác thủy sản. Thay vì tìm kiếm giải pháp kỹ thuật để xử lý hiệu quả vướng mắc, "quả bóng" trách nhiệm bị đẩy xuống cơ sở. Và, đã hơn hai năm rưỡi, mọi chuyện vẫn như… "gà mắc tóc". Theo phản ánh của một số địa phương, kinh phí thu được từ nguồn này mỗi năm một giảm...

Bên lề kỳ họp Quốc hội mới đây, trước báo giới, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đã "nảy lửa" với Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng về vấn đề này. Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 7-7, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ đã đề xuất tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy và nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu HĐND thành phố. HĐND tỉnh Khánh Hòa thậm chí ra cả nghị quyết tạm dừng việc thu phí...

Quy định bất hợp lý, thiếu tính khả thi thì việc xem xét, điều chỉnh, tạm dừng là bình thường. Tuy nhiên với một chủ trương đúng, nhưng biện pháp thực hiện có vấn đề, không đi vào cuộc sống... thì rõ ràng phải xem xét một cách nghiêm túc. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng quy định đưa ra khó thực hiện, phải trì hoãn, thậm chí sửa đổi. Không phải bàn đến tác hại của việc ban hành quy định rồi… để đấy, dẫn đến tình trạng quy định "mất thiêng", người dân "nhờn luật"..., hơn hai năm rưỡi qua, những người có ý thức tự giác chấp hành luật có phải đang chịu thiệt thòi so với những người không thực hiện quy định!? Một câu hỏi đặt ra: Trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan nào hay… hòa cả làng?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có hòa cả làng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.