(HNM) - Sáu năm trước, Đỗ Tiến Thụy đã trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy.
- Theo anh tại sao các nhà văn trẻ hôm nay ít viết về đề tài chiến tranh cách mạng?
- Xã hội đương thời có quá nhiều đề tài cho các nhà văn trẻ lựa chọn. Không khí dân chủ đã giúp cho các đề tài bình đẳng với nhau. Đã đến lúc chúng ta nên quan tâm tới việc viết như thế nào chứ không phải là viết về cái gì. Những vận động, ưu tiên, đầu tư… để viết theo đề tài, theo tôi thấy là không hiệu quả. Hãy để nhà văn viết bằng sự rung cảm tự nguyện của mình.
- Người ta vẫn nói về một độ lùi cần thiết trong văn học để có cái nhìn khách quan hơn về cuộc chiến tranh, nhưng liệu có phải độ lùi đã đủ mà chưa có tác phẩm nào xứng tầm?
- Tôi cho rằng đó là một biểu hiện của sự… sốt ruột và đầy cảm tính. Lịch sử văn học thế giới đã cho thấy, độc giả ở đâu cũng luôn đòi hỏi "tác phẩm xứng tầm"…, trong khi những tác phẩm giá trị có thể đã, đang ở quanh họ rồi.
Với những gì được đọc ở dòng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi thấy ít nhất có hàng chục tác phẩm xứng tầm, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được độc giả nước ngoài trân trọng đón nhận. Nhưng đối với độc giả trong nước thì… có lẽ phải dẫn câu thành ngữ "Bụt chùa nhà không thiêng"!
- Nếu hình dung về khúc tiếp theo của dòng chảy văn học chiến tranh cách mạng thì anh thấy nó thế nào?
- Tôi nghĩ, những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt trong cơ chế thị trường. Những người viết về chiến tranh sẽ ít đi nhưng chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm buộc phải tăng lên. Thay vì trông chờ vào sự tiếp sức từ những tổ chức nhà nước bỏ tiền đầu tư cho sáng tác để rồi sách in ra… "ngủ ngon" trong các thư viện, nhà văn sẽ phải tự thân vận động để tiếp cận đề tài, tìm tòi nghệ thuật thể hiện mới nếu không muốn bị độc giả quay lưng.
Hiện thực là đường băng của nghệ thuật
- Thế còn cá nhân anh, lý do gì để anh theo đuổi mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?
- Tôi sinh ra trong chiến tranh, gia đình tôi mấy thế hệ là người lính, 4 người chú của tôi là liệt sĩ, mấy người nữa là thương binh; bản thân tôi là lính, thường xuyên tiếp xúc với những câu chuyện chiến tranh… Tất cả tạo thành một bầu khí quyển chiến tranh bao quanh tôi từ bé cho đến giờ, nên lẽ dĩ nhiên khi viết tôi phải chọn viết về cái mình hiểu nhất, thế thôi.
- Nghe nói anh mới hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết thứ hai có tên "Từ A đến Z", anh có thể chia sẻ một chút về tác phẩm mới này?
- Đây là cái tên bật ra khi tôi hoàn thành bản thảo. Nó mang ý nghĩa hành trình của một nhân vật đi qua những biến thiên thời cuộc chứ không hề có ý đặt tên gây tò mò để câu khách. Những độc giả thích chuyện "A-Z" thì không nên đọc cuốn sách này.
- Và anh đã giải quyết câu hỏi "viết như thế nào" ở tiểu thuyết mới này ra sao?
- Tự mình nói về sách của mình nó… phản cảm lắm! Chỉ có thể vắn tắt thế này: Cuốn sách mới của tôi sẽ không lặp lại bất kỳ thứ gì của chính tôi đã viết. Với tôi, nó là một sự chuyển giai đoạn. Còn thành công đến đâu là do độc giả phán xét.
- Nghe nói anh đã theo một đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa để sưu tầm tư liệu và tìm cảm hứng cho cuốn sách?
- Tôi "xin theo" không phải một lần mà hàng chục lần. Lần ít thì vài ba ngày, lần dài thì cả tháng. Không ai hiểu chiến tranh bằng những người lính đã kinh qua trận mạc. Thế nên có cơ hội tiếp cận là tôi cố gắng không bỏ lỡ. Dịp 30-4 năm ngoái, nghe tin có một đoàn cựu chiến binh của Sư đoàn 320 hành quân về chiến trường xưa là tôi lập tức bỏ dở chuyến công tác để quay về Hà Nội xin nhập đoàn. Chuyến đi dài nửa tháng, đoạn đường gần chục ngàn cây số từ Hà Nội, qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đổ xuống duyên hải Nam Trung bộ… Chi phí rất tốn kém, nhiều cựu chiến binh rất nghèo nhưng đã quyết bán cả bò để lấy tiền đóng góp. Đây là chuyến đi tôi thu thập được nhiều tư liệu nhất. Đi đến đâu, những câu chuyện về chiến tranh được các cựu chiến binh tái hiện tới đó, dung dị nhưng vô cùng chân thực, sinh động.
- Nếu chỉ viết theo hiện thực mình có, anh không nghĩ một ngày sẽ tiêu hết chúng?
- "Hiện thực" không chỉ là những gì mình tai nghe mắt thấy. Nếu nó chỉ là những gì mình chứng kiến theo nghĩa vật chất có thể "tiêu hết" thì còn chỗ nào cho trí tưởng tượng của nhà văn? Tôi quan niệm hiện thực giống như một "đường băng" nghệ thuật. Từ "đường băng" ấy những ý tưởng sáng tạo sẽ cất cánh. Còn "bay" được đến đâu lại tùy thuộc vào tài năng của mỗi nhà văn.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy sinh năm 1970 tại Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội, nguyên là lính lái xe tại Binh đoàn Tây Nguyên. Đã xuất bản: Gió đồng se sắt (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên); Màu rừng ruộng (tiểu thuyết, NXB Trẻ); Vết thương thành thị (tập truyện ngắn, NXB Trẻ)… Đã đoạt giải truyện ngắn, bút ký của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng. Hiện là Biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.