(HNMO) -
Chiều 7-2, tại cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương, trước thông tin một số vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh bị làm giả, khẩu trang bị tái sử dụng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chủ động phối hợp cùng cơ quan quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử phạt các hành vi gian lận, cạnh tranh kém lành mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường sớm có báo cáo gửi Bộ Y tế để phối hợp đưa ra giải pháp, tránh nguy cơ để kẻ xấu trục lợi.
Thông tin về hiện tượng bán khẩu trang dùng 1 lần đã qua sử dụng, làm giả các vật tư y tế như nước sát khuẩn... được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đưa ra tại cuộc họp.
Về việc tăng nhu cầu, tăng giá các trang thiết bị phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, ông Trần Hữu Linh cho biết, các mặt hàng tăng giá gồm khẩu trang, nước sát trùng, sát khuẩn và găng tay y tế.
Ở Hà Nội, đến thời điểm này, tại Trung tâm Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU (85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân), các nhà thuốc vẫn mở, không còn tình trạng chen lấn. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế đang là vấn đề lớn. Các quầy thuốc chưa nhập được hàng mới và cũng chưa rõ có thể nhập lại vào lúc nào.
Lãnh đạo Trung tâm Phân phối dược phẩm và thiết bị y tế HAPU cũng cho biết, đã có thông báo nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Về phản ánh liên quan tới việc kêu gọi “không nhập, không bán khẩu trang" trên mạng xã hội của một chủ tài khoản được cho là kinh doanh tại Trung tâm, ông Trần Hữu Linh cho biết, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan công an đang tiến hành điều tra để xử lý nghiêm vụ việc này.
Ngày 7-2, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có Công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính, nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa thì xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP (ngày 5-3-2018).
Đối với những hàng hóa, vật phẩm đã bị hư hỏng không còn giá trị, sẽ thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy. Đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng còn lại, trong trường hợp này là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn, người ra quyết định tạm giữ tang vật quyết định và tổ chức bán ngay hàng hóa, vật phẩm đó cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Giá bán hàng hóa, vật phẩm do người ra quyết định tạm giữ tang vật xác định căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và chất lượng của hàng hóa, vật phẩm đó...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.