Bác có nghe thông tin mới về mũ bảo hiểm không? - Tin gì mà mới. Sau hơn 4 năm gắn bó với cái
- Bác có nghe thông tin mới về mũ bảo hiểm không? - Tin gì mà mới. Sau hơn 4 năm gắn bó với cái "nồi cơm điện" ấy, tớ thấy mọi chuyện rất bình thường mà.
- Bác đúng là bàng quan. Chỉ bình thường với chiếc mũ chính hiệu của bác thôi. Còn ra đường thì bát nháo lắm, trong cửa hàng, trên vỉa hè mũ treo bày la liệt, thật giả lẫn lộn. Nhiều cái trông rất oách nhưng lại là "hàng mã".
- Nhưng tớ nhớ là từ cuối năm 2008, Bộ KHCN đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm rồi mà. Mũ không có dấu xác nhận phù hợp tiêu chuẩn (CS) và dấu chứng nhận hợp quy (CR) thì đâu được phép sản xuất, lưu hành.
- Đúng là phải dán rồi. Miếng thịt lợn hay con gà ngoài chợ còn được đóng dấu kiểm dịch huống hồ cái mũ. Nhưng chết nỗi dán nhãn rồi nhưng chưa được cơ quan chức năng giám sát, thực thi nghiêm túc, nên mũ rởm mỗi ngày một nhiều, bán công khai, sử dụng cũng công khai.
- Vậy tức là chưa có thuốc trị?
- Có lẽ là có rồi. Liên bộ KHCN, Công an và GTVT vừa đưa ra dự thảo phương án xử phạt vi phạm về mũ bảo hiểm.
- Tốt quá, phải phạt thật nặng những kẻ sản xuất mũ rởm.
- Bác nhầm. Người ta không phạt người bán mà phạt người sử dụng. Nếu đội mũ không đúng chuẩn sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng; mũ lưỡi trai cứng thì phần lưỡi trai không được lớn hơn 5cm; mũ cũng phải có đủ 3 bộ phận vỏ, đệm hấp thụ xung động bên trong (đệm bảo vệ) và quai đeo... Không có là phạt tuốt.
- Vậy ai sẽ kiểm soát, xử phạt?
- Cảnh sát giao thông chứ ai nữa?
- Bằng cách nào, không lẽ dùng thước đo lưỡi trai dài bao nhiêu?
- Cái đó thì còn chưa biết.
- Cậu có hiến kế gì không?
- Cũng chỉ là kế mọn, nhưng em nghĩ nên gắn một con chíp nhận dạng mũ xịn, còn mũ rởm đi qua CSGT không thấy tín hiệu thì báo động.
- Cách ấy mà với tình trạng mũ rởm như cậu nói thì có "báo động" suốt ngày...
- Thì đấy là "ngu ý" của em. Thế bác… có hiến kế gì không?
- Tớ thì… chịu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.