Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có hài hòa lợi ích?

Thế Phương| 10/07/2014 05:52

(HNM) - Trong lần điều chỉnh giá xăng vào 20h ngày 7-7 vừa qua, theo Bộ Tài chính, nếu không sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, giá xăng phải tăng khoảng hơn 900 đồng/lít. Còn sự chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực là do một số nước có chính sách bao cấp nên mặt bằng giá thấp hơn…



Hiện tại giá xăng được điều hành theo hướng, liên bộ Tài chính - Công thương quyết định áp giá trần, sau đó các doanh nghiệp tự quyết định mức giá tăng cụ thể trong trần cho phép. Mức thuế xăng dầu tại Việt Nam hiện nay đang thấp hơn nhiều so với trần quy định, tuy nhiên theo Bộ Tài chính, Bộ này chưa điều chỉnh mức thuế để chia sẻ lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng và Nhà nước…

Tóm lại có rất nhiều lý do để tăng giá xăng dầu và theo cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính thì, việc điều hành giá xăng dầu luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, có tăng có giảm… Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp cho rằng: Việc tăng giá xăng dầu liên tục thời gian qua đã không tính đến quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nhận định này không phải không có lý. Bởi lẽ, kể từ đầu năm đến nay có 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu (5 lần tăng và 5 lần giảm giá) nhưng mặt hàng xăng - chiếm hơn 60% tổng lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường không giảm một lần nào (tổng cộng 5 lần tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng). Các lần giảm giá chủ yếu là dầu Diesel, nhưng với mức độ nhỏ giọt chỉ từ 100 đồng đến 150 đồng/lít.

Chuyện về những hệ lụy đối với đời sống xã hội sau mỗi lần xăng dầu tăng giá không mới. Mỗi lần tăng giá xăng là hàng hóa dịch vụ "té nước theo mưa" và trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây thật sự là một vấn đề. Chịu ảnh hưởng tiêu cực trước tiên là các gia đình cán bộ, công nhân, viên chức có thu nhập trung bình bởi phương tiện đi lại chủ yếu là xe gắn máy. Giá bán lẻ xăng dầu tăng, đồng nghĩa với việc họ phải chi tiêu nhiều hơn cho quá trình đi lại. Cùng với đó là những người về hưu, học sinh, sinh viên đi lại bằng xe buýt. Ngân sách không thể bù lỗ mãi, các doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh giá và sớm muộn giá vé xe buýt cũng phải tăng.

Giá xăng tăng như vậy đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào của một loạt lĩnh vực sẽ tăng theo, nhất là cước phí vận chuyển. Xi măng sẽ bị giá xăng đè nặng bởi chi phí chuyên chở nguyên vật liệu và thành phẩm chiếm khá lớn. Ngành vận tải, logistics cũng sẽ chịu tác động mạnh do xăng dầu chiếm 30-35% chi phí. Trong đó, doanh nghiệp vận tải đường bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xăng dầu có thể chiếm tới 45% tổng chi phí. Nhiều mặt hàng nông - lâm - ngư nghiệp chắc chắn cũng tăng theo giá xăng, cuối cùng "trăm dâu" đổ đầu người tiêu dùng, "thượng đế" đã và sẽ phải nai lưng gánh chịu. Điều đáng nói hơn, mỗi lần xăng dầu tăng giá, giá cả thường leo lên nhưng không chịu leo xuống, như vậy, mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá ngày càng trở nên xa vời. Lạm phát tiếp tục là bài toán khó giải.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể đặt câu hỏi: Liệu việc liên tiếp tăng giá xăng dầu có đáp ứng được mục tiêu chia sẻ lợi ích doanh nghiệp - người tiêu dùng và Nhà nước như một nguyên tắc mà cơ quan quản lý đã đưa ra? Câu hỏi này cần được trả lời một cách thỏa đáng, bởi đây là yêu cầu của dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hài hòa lợi ích?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.