Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng ở xã Minh Đức: Bước đi hiệu quả

Đỗ Minh| 20/02/2016 07:41

(HNM) - Minh Đức là xã đầu tiên của huyện Ứng Hòa thực hiện đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến gieo mạ, cấy và thu hoạch vào sản xuất lúa. Đây là mô hình giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa ở xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa.


Chủ tịch UBND xã Minh Đức Dương Văn Đãi cho biết: Với hơn 474ha đất canh tác, dù đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa từ lâu nhưng hầu hết nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất lúa theo phương thức truyền thống nên khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Phần lớn nông dân vẫn đưa vào canh tác những giống lúa kém chất lượng, năng suất thấp dẫn tới tình trạng không mặn mà với cây lúa, thậm chí có hộ bỏ ruộng hoang.

Trước thực trạng trên, để giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, vụ xuân 2015, UBND xã đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, cấy lúa đến thu hoạch trên diện tích 2ha tại HTX Nông nghiệp Minh Đức. "Ban đầu nhiều hộ vẫn chưa tự tin vì đã quen với lối canh tác truyền thống, chưa quan tâm đến việc cơ giới hóa đồng bộ. Nhiều lúc chúng tôi phải động viên các xã viên yên tâm, tin tưởng vào khoa học kỹ thuật sẽ mang lại năng suất cao cho cây lúa" - ông Đãi cho biết.

Sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi bởi năng suất, chất lượng vượt trội so với gieo trồng truyền thống và đặt niềm tin vào những vụ mùa sau. Nếu như năm 2015, cả xã Minh Đức có khoảng 20ha lúa được cấy bằng máy thì vụ xuân 2016 diện tích tăng lên trên 50ha. Anh Hoàng Văn Dương - người địa phương - cho biết: "Gia đình có 5 sào, những năm trước đây chưa có máy, sử dụng lao động thủ công tốn rất nhiều công và thời gian, nhất là vụ cấy, gặt phải mất một tuần mới xong. Vụ xuân này, gia đình tiếp tục tham gia vào mô hình cơ giới hóa đồng bộ nên tất cả các khâu đều được rút ngắn. Vụ mùa năm trước, nhờ cấy máy nên 5 sào ruộng cho năng suất vượt so với cấy thủ công 10-15%. Mặt khác, nhờ thu hoạch bằng máy chỉ diễn ra trong nửa ngày nên không mất nhiều công sức".

Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất là tất yếu trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện nay. Nếu như trước đây, sản xuất lúa theo phương thức thủ công thì bình quân mỗi sào ruộng, chi phí người dân phải bỏ ra từ khâu làm đất đến khi thu hoạch và thuê nhân công vào khoảng 500.000 đồng/sào. Còn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ chỉ còn 250.000 đồng/sào. Với một người sử dụng máy cấy, một ngày có thể cấy được 40.000m2 ruộng, năng suất bằng hơn 25 người cấy tay.

Theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Đức Chu Văn Tráng: Cơ giới hóa không chỉ tiết kiệm chi phí trong sản xuất mà khi sinh trưởng sẽ ít sâu bệnh, lúa cứng cây không sợ mưa gió gây đổ ngã. Đồng ruộng thông thoáng nên cây lúa phát triển ổn định, bông lúa to và dài, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa xuân mới cấy máy của xã đã hoàn thành, lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng ở xã Minh Đức: Bước đi hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.