(HNM) - Gần 10 năm nay, người dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã dần quen với hình ảnh một cô giáo với đôi chân không lành lặn hằng ngày vẫn đạp xe đến với các em nhỏ kém may mắn ở Trường Tiểu học Cổ Loa. Có lẽ ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Giang đã bền bỉ vượt lên những khắc nghiệt của số phận để mang con chữ và tình yêu thương đến với những đứa trẻ đồng cảnh ngộ.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Giang. |
Vượt lên số phận
Nguyễn Thị Thanh Giang sinh ra và lớn lên trên quê hương Đông Anh, Hà Nội. Được 9 tháng tuổi, căn bệnh liệt não quái ác đã khiến đôi chân của cô bé xinh xắn ấy không còn lành lặn như xưa. Nhiều năm sống chung với bệnh tật, đau đớn, với bao lần đối mặt giữa sự sống và cái chết, cô bé Giang vẫn âm thầm nuôi dưỡng cho mình ước vọng ở ngày mai tươi sáng.
Rồi nhờ sự động viên của gia đình, Giang dần lấy lại niềm tin, niềm yêu sống. Lớn lên, nhìn chúng bạn tung tăng cắp sách tới trường, cô cũng khao khát có được niềm vui ấy. Không nản chí, Giang tập đi. Ngày tập, tối tập và thậm chí đêm cũng dậy tập. Mới đầu đi được vài bước đã khó, phải vịn vào thành giường, phải dò dẫm từng bước. Cứ đi một, hai bước Giang lại ngã dúi dụi về phía trước. Chính cô bây giờ cũng không còn nhớ nổi bao nhiêu lần mình đã ngã, bao nhiêu vết sẹo vết bầm trên thân thể nữa. Càng khát khao đến trường bao nhiều thì Giang lại càng tự động viên mình kiên trì tập luyện bấy nhiêu. Thế rồi, nhờ những nỗ lực ấy, chỉ sau 2 tháng, Giang có thể đứng vững và tự đi được 1m, rồi 2m và 5m... Và đến năm lớp 10, Giang đã có thể đạp xe đến trường và cho đến bây giờ chiếc xe đạp cũ đó vẫn là phương tiện duy nhất để cô đến với những học trò đặc biệt của mình.
Năm 2005, Giang tốt nghiệp Ngành Văn học - Giáo dục công dân của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại khá. Trong lúc chờ xin việc, thì vừa hay huyện Đông Anh có quyết định thành lập lớp học dành cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ và những em không có điều kiện được học hành. Thế là Giang trở thành cô giáo đầu tiên của lớp học tình thương ấy. Không chỉ dạy chữ, cô trở thành người mẹ, nâng niu chăm sóc mỗi khi các em đau ốm.
Cho đến hôm nay, do ảnh hưởng của căn bệnh cũ, mỗi khi trái gió trở trời những cơn đau lại hành hạ đôi chân của cô. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản cô hằng ngày cần mẫn đạp xe, mang con chữ và tình yêu thương đến với những em nhỏ vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi.
Lớp học của tình thương
Hiện nay, lớp có 15 học sinh chuyển từ Trường Tiểu học Cổ Loa đến học ở đây. Đến với lớp học tình thương này, đa phần các em học sinh không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào, và còn được hỗ trợ thêm một suất ăn trưa. Học sinh khóa này của cô giáo Giang có độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi, hầu hết các em bị thiểu năng trí tuệ và khuyết tật nên khả năng tiếp thu kém do nghe khó, ngọng phát âm, vận động yếu... Cô giáo Giang kể: “Ngày đầu tiên tiếp nhận lớp, là một giáo viên vừa mới ra trường, tôi lúng túng một thời gian dài. Nhiều khi bảo các em không chịu nghe, thậm chí còn đi vệ sinh bừa bãi trong lớp học, tôi bật khóc bao lần. Nhưng càng gắn bó với lớp học, tôi càng yêu quý lũ trẻ hơn và mong muốn làm thật nhiều điều tốt đẹp cho các em”.
Để tạo điều kiện cho học sinh có thể tiếp thu được tốt hơn, cô giáo Thanh Giang phải kèm cặp từng em một, tùy vào năng lực nhận thức hay trình độ của mỗi em. Vì thế trong mỗi giờ học cô đều phải “xoay như chong chóng” mới đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Em nào yếu kém mặt nào thì kèm dạy mặt đó. “Có học sinh tôi chỉ mong dạy cho các cháu biết mặt chữ, có học sinh tôi còn phải dạy cho cháu biết đi vệ sinh chỗ nào, lúc nào. Nhưng cũng có những em, mình kèm cặp để cháu được chuyển lên lớp trên theo kịp bạn bè”. Sau nhiều năm học tại lớp của cô Giang, giờ đây đã có nhiều em biết đọc biết viết thành thạo, nhiều em đã cộng, trừ, nhân, chia thuộc lòng đến dãy số hàng chục, hàng trăm. Đã có nhiều em được chuyển lên học tại Trường Tiểu học Cổ Loa, thậm chí có em còn được nhận giấy khen với học lực khá.
Đến lớp dạy, Thanh Giang tâm niệm không chỉ dạy cho học sinh biết đọc, biết viết, biết tính toán mà còn dạy đạo đức, văn hóa, cách ứng xử và biết yêu lao động. Cô Giang kể về những kỷ niệm không thể nào quên ở lớp học, như cháu Hoa (16 tuổi), bị thiểu năng trí tuệ, học 3 năm ở lớp học của cô, vậy nhưng đã xin đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp đỡ cha mẹ. Thế mà vào những dịp 20-11 nào, Hoa cũng nhớ và chúc mừng cô. “Các em học sinh ở đây dù còn nhỏ và chịu nhiều thiệt thòi nhưng chúng cũng thương cô lắm. Ngày 20-11 năm nào cũng có hoa tặng các cô giáo, dù chỉ là những bông hoa dại các cháu ngắt bên đường cũng khiến các thầy, cô xúc động” - Giang cười hạnh phúc.
Em Nguyễn Mạnh Cường (10 tuổi) được đưa vào lớp học tình thương 4 năm nay. Cường mắt kém, không thể nhìn rõ từng mặt chữ, nên em chỉ có thể viết bằng phấn. Em bảo: “Em thích đến lớp do cô Giang dạy học, bởi đến đó em được cô dẫn đi chơi ở công viên, được học chữ để sau này trở thành người có ích. Cô Giang chỉ bảo chúng em tận tình lắm, không khi nào cô cáu gắt cả, mỗi khi chúng em mắc lỗi cô thường khuyên nhủ, vỗ về”.
Bây giờ, cô Giang đã chuyển sang Trường chuyên biệt Bình Minh, cũng là ngôi trường có nhiều trẻ khuyết tật. Trường cách nhà 5 cây số, nhưng dù ngày nắng, ngày mưa cô vẫn đều đặn đến lớp. “Tôi mới có quyết định chuyển trường được mấy tháng. Tôi cũng thương các cháu nhỏ trường cũ lắm, cứ muốn dạy mãi, dạy mãi, để bù đắp cho các em những tình cảm, những yêu thương”. Dù công tác ở đâu, ở môi trường giáo dục nào thì cô Giang cũng mãi sẽ chỉ gắn bó với những trẻ em khuyết tật. Hiện cô đã có gia đình êm ấm, một người chồng biết yêu thương thông cảm, một cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Cô giáo Giang tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên đã là một đứa trẻ thiệt thòi, vì thế hơn ai hết tôi là người thấu hiểu và luôn mong muốn đem lại những điều tốt đẹp hơn cho những người cùng cảnh ngộ. Với tôi, việc dạy bảo, chăm sóc các em là tình yêu, hạnh phúc, là lẽ sống của mình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.