(HNM) - Những năm qua, hệ thống đê điều Hà Nội đã được đầu tư, tu sửa, cơ bản bảo đảm an toàn chống lũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường thì hiện trạng đê điều Hà Nội chưa đủ đáp ứng các yêu cầu.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là hệ thống đê bao, đê bối ở nhiều khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão. Cụ thể, trên tuyến đê quan trọng là hữu Hồng có 14 tuyến đê bối với tổng chiều dài 36km; tuyến đê bối thuộc hệ thống đê Vân Cốc dài 7km; đê bối Kim Tiên dài 4,5km; đê bối hữu Cầu và thượng lưu sông Cà Lồ dài hơn 20km; các tuyến đê cấp 5 có tổng chiều dài 62km hầu hết chưa được đầu tư nâng cấp, mặt cắt nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu chống lũ và kết hợp giao thông.
Nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng trên bờ bãi sông Hồng đã ảnh hưởng đến hệ thống đê điều. Ảnh: Đỗ Chí |
Một tồn tại khác là tình trạng vi phạm Luật Đê điều rất phức tạp và khó giải quyết triệt để. Theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội từ năm 2008 đến nay là gần 2.000 vụ, trong đó xử lý được 860 vụ và vẫn còn tồn đọng hơn 1.000 vụ. Điều đáng nói là có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, đến thời điểm này cơ quan chức năng gần như "bất lực". Điển hình là vụ vi phạm làm nhà kiên cố trên đê, kè Phong Vân, của hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Công, thuộc xã Phong Vân (huyện Ba Vì); xây dựng nhà xưởng, tập kết vật liệu xây dựng ở khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long thuộc huyện Từ Liêm... Nạn khai thác cát trái phép trên các lòng sông cũng đang rất nhức nhối và có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, bờ bãi sông. Thống kê cho thấy, hiện có đến hơn 10 điểm đang khai thác cát trái phép; 178/211 điểm tập kết vật liệu xây dựng chưa có phép...
Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đê điều, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, các bãi tập kết vật liệu xây dựng hầu hết sử dụng xe quá tải để vận chuyển đã làm hư hỏng mặt đê, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng dân cư đang sinh sống ở ven đê và ngoài bãi sông lên đến 100.000 hộ, trong đó có 37.000 hộ nằm trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê cũng nhận được sự quan tâm khi triển khai quy hoạch đê điều.
Sự bất cập nằm ở chỗ, từ trước đến thời điểm chưa thông qua Quy hoạch đê điều thì khu vực này chỉ được cấp phép cải tạo, không cấp phép xây dựng mới cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, triển khai quy hoạch đê điều của Hà Nội là xây dựng hệ thống đê phục vụ đa mục tiêu, trước tiên là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường. Dự kiến, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đê điều và phòng chống lũ theo quy hoạch đã duyệt khoảng hơn 31.000 tỷ đồng. |
Tạo cơ sở pháp lý
Những vấn đề nổi cộm và nhức nhối trong nhiều năm qua trên hệ thống đê điều Hà Nội phần lớn là do chưa có quy hoạch, trong khi Luật Đê điều mới có hiệu lực từ đầu năm 2007. Vì vậy, tại kỳ họp thứ tám vừa được tổ chức việc HĐND TP Hà Nội thông qua Quy hoạch đê điều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương và người dân có đủ cơ sở pháp lý quản lý chặt chẽ và xây dựng, nâng cấp hệ thống đê đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phục vụ đa mục tiêu.
Để triển khai tốt Quy hoạch đê điều dự kiến được bắt đầu từ năm 2014, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần thêm giải pháp phối hợp với các địa phương có liên quan trong quá trình triển khai quy hoạch, thiết kế hệ thống đê, nhất là đê sông Hồng chạy qua nhiều địa phương ở Đồng bằng Bắc bộ. Quy hoạch cũng phải gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích đất ngoài đê và đất bãi. Ông Nguyễn Xuân Diên, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội góp ý, Thủ đô Hà Nội có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, trong đó có nhiều hồ lớn như hồ Quan Sơn ở Mỹ Đức, các hồ ở huyện Ba Vì rộng hàng nghìn héc ta có liên quan đến đê bối, vì vậy trong triển khai quy hoạch cần quan tâm đến kết hợp với phát triển du lịch tâm linh, sinh thái. Đối với việc xử lý những vi phạm Luật Đê điều hiện nay, các ý kiến kiến nghị cần tiếp tục thực hiện giải pháp xây dựng đường gom chân đê và cắm mốc lộ giới đê điều để dễ dàng trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Về tiến độ triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã chỉ đạo Sở NN&PTNT hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của HĐND thành phố và các cá nhân, tập thể, sau đó sẽ trình Bộ NN&PTNT. Khi được Bộ NN&PTNT phê duyệt, việc công bố quy hoạch chi tiết khu vực ngoài đê, triển khai xây dựng theo quy hoạch sẽ tiến hành trong năm 2014.
Điểm đáng lưu ý nhất trong bản Quy hoạch là thành phố Hà Nội sẽ xây dựng, nâng cấp đê bối thuộc hệ thống đê sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm. Theo phương án này, các khu vực dân cư vùng bãi, các làng nghề và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên đoạn sông Hồng đi qua khu vực trung tâm gồm ở phía tả Hồng và trong vành đai 4 sẽ được bảo đảm các quyền lợi phát triển ổn định. Ngoài ra, Hà Nội sẽ giữ nguyên hiện trạng hệ thống đê như hiện nay nhưng sẽ xây dựng bổ sung hệ thống đê bối cách hệ thống đê cũ từ 500m, 1.000m, 2.000m, 3.000m... Hệ thống đê bối được xây dựng bảo đảm chống chịu mực nước thiết kế tại Hà Nội là 13,1m, phục vụ giao thông với bề mặt cắt ngang là 40m. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.