Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có ghi được dấu ấn trong năm 2010?

Thu Trang| 30/01/2010 06:54

(HNM) - Tại hội nghị tổng kết chương trình

Chặn đà suy giảm

Đánh giá về chương trình "Ấn tượng Việt Nam", ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL TP Hồ Chí Minh nhận xét, nếu như trước đây khi xảy ra dịch SARS, H5N1… các doanh nghiệp (DN) lữ hành chưa hài lòng với những quyết sách chậm trễ của ngành du lịch, thì với chiến dịch kích cầu lần này, TCDL đã ứng phó kịp thời, góp phần ngăn chặn đà suy giảm khách quốc tế và tăng trưởng khách nội địa. Sự cố gắng của ngành du lịch trong năm qua cũng đã được quốc tế đánh giá rất cao.

Khách du lịch thăm đô thị cổ Hội An. Ảnh: Đàm Duy


Ông Khánh dẫn chứng, chính sách miễn lệ phí thị thực cho du khách khi tham gia chiến dịch "Ấn tượng Việt Nam" đến hết ngày 31-12-2009 do Bộ VH, TT&DL đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè quốc tế. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đưa tin về những cố gắng của ngành du lịch Việt Nam nhằm ngăn chặn đà suy thoái. Thậm chí, các nước trong khu vực và thế giới như: Thái Lan, Malaixia, Xingapo, Trung Quốc… đã lập tức đưa ra những chính sách để cạnh tranh với chúng ta. Nhờ vậy, vị thế của du lịch Việt Nam đã được nâng cao thêm.

Cũng theo ông Khánh, thành công thứ hai khi triển khai "Ấn tượng Việt Nam" phải kể đến là sự liên kết giữa các DN, các cơ quan quản lý du lịch đã có tiến triển. Không còn chạy theo kiểu kinh doanh "mạnh ai nấy làm", các DN đã bắt đầu có sự chia sẻ, cùng nhau gánh vác khó khăn và cùng nhau xây dựng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Sau 1 năm thực hiện, chương trình "Ấn tượng Việt Nam" đã thu hút gần 250 DN tham gia, trong đó có 120 khách sạn, hơn 100 DN lữ hành, vận chuyển, hàng không Việt Nam và các cửa hàng mua sắm. Các DN đã xây dựng và công bố trên 500 chương trình khuyến mại với giá "tua" giảm từ 30% đến 50%.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, năm 2009 là năm ngành du lịch đã biến nguy cơ thành cơ hội. Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2009 giảm 10,9% nhưng đó là một thành công vì tốc độ suy giảm đã chậm lại. So với đầu năm, những tháng cuối năm 2009, một số thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Âu, Mỹ, ASEAN… đã phục hồi. Trong tất cả những điều đã đạt được, thành công lớn nhất của chương trình "Ấn tượng Việt Nam" chính là việc tăng trưởng khách du lịch nội địa. Bất chấp những khó khăn về kinh tế, của khủng hoảng tài chính toàn cầu, du lịch nội địa luôn sôi động từ tháng 3 đến tháng 12-2009. Do giá "tua" giảm nên số lượng khách đăng ký "tua" nội địa trong năm 2009 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa hồi phục nhanh và nhiều địa phương đã đạt được sự tăng trưởng cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Nam…

Tăng đầu tư khuyến mãi


Dù đã đạt được nhiều thành công nhưng ông Cường cũng thẳng thắn thừa nhận những nhược điểm mà chương trình "Ấn tượng Việt Nam" vấp phải. Ông cho biết, với những chương trình "tua" khuyến mãi cho khách quốc tế sử dụng dịch vụ hàng không nhưng nhiều DN lữ hành khó có thể đặt chỗ với giá vé giảm như đã được cam kết. Thậm chí, các thành phần kinh tế tham gia chưa đầy đủ vào chương trình khuyến mãi. Trong các nhà cung ứng dịch vụ, chỉ có khách sạn giảm giá, còn lại, các nhà cung ứng khách (như: nhà hàng, xe, thuyền, tàu du lịch, hướng dẫn…) đều không giảm hoặc giảm rất ít không đúng thời hạn của chương trình. Còn lực lượng nòng cốt của hệ thống khách sạn cao cấp chính là các khách sạn liên doanh nhưng họ lại đứng ngoài "cuộc chơi".

Chiến dịch "Ấn tượng Việt Nam" đã thu được những kết quả tốt nhưng theo ông Khánh, ngành du lịch có thể làm tốt hơn nữa. Chẳng hạn như ở nhiều nước trên thế giới đều có quỹ dự phòng du lịch, trong khi ở Việt Nam không có. Chính vì không có quỹ dự phòng nên chiến dịch khuyến mãi lớn kia mới chỉ được quảng bá trong nước mà thiếu kinh phí để khuếch trương ở nước ngoài. Thêm vào đó, sự liên kết của các DN tại chương trình "Ấn tượng Việt Nam" tuy đã tốt hơn trước nhưng chưa thực sự bền vững. Ngay khi chiến dịch kết thúc vào ngày 31-12-2009, một số khách sạn đã lập tức tăng giá, còn các DN lữ hành tỏ ra lúng túng không biết phải tiếp tục triển khai như thế nào (?). Ông Khánh đưa ra kiến nghị, nếu TCDL không nhanh chóng đưa ra những bước đi chiến lược thì những thành công có được từ chiến dịch khuyến mãi trong năm 2009 rất có thể sẽ bị đứt đoạn khi bước sang năm 2010.

Trước thực tế trên, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) khẳng định, ngành du lịch đang cùng với hàng không Việt Nam và các bộ, ngành liên quan bàn bạc để tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi trong năm 2010. Chương trình này sẽ được công bố ngay khi các bên đã đi đến thỏa thuận cuối cùng. Khác với năm 2009, TCDL sẽ không tổ chức phát động chiến dịch khuyến mãi rầm rộ mà sẽ giảm giá theo từng mùa, từng sự kiện sẽ diễn ra trong năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có ghi được dấu ấn trong năm 2010?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.