Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cố gắng để đủ vắc xin

Thu Trang| 27/12/2015 06:23

(HNM) - Vụ hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 - Lương Thế Vinh (Hà Nội) là hậu quả của tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ


Nơi nào tăng giá, sẽ dừng phân phối

Dù Bộ Y tế đã thông báo từ nay đến tháng 2-2016 có khoảng 200.000 liều vắc xin "5 trong 1" Pentaxim, trong đó 160.000 liều được nhập về trong tháng 12 này và 40.000 liều nhận vào tháng 2-2016 nhưng vẫn không làm người dân yên tâm. Trước sự việc hỗn loạn ở điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường chia sẻ, không có vắc xin dịch vụ cũng khổ mà có thì cứ kiểu hỗn loạn như vậy còn khổ hơn.

Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng


Theo ông Trương Quốc Cường, hiện trên thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào, đó là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi Pasteur. Tuy nhiên, hiện Nhật Bản không xuất khẩu, chỉ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Còn hãng GSK năm trước đã tự kiểm tra và phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể, do đó, hãng này cũng ưu tiên cung cấp cho quốc gia dùng trong tiêm chủng mở rộng. Chính vì khó khăn trong việc nhập khẩu nên kế hoạch trong năm 2016 sẽ còn 40.000 liều vắc xin dịch vụ được nhập về vào tháng 2, ngoài ra không có nguồn nào khác.

"Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như điểm tiêm chủng trên, chúng tôi yêu cầu công khai, minh bạch danh sách 161 điểm tiêm vắc xin "5 trong 1" trên toàn quốc. Nếu điểm nào ngoài danh sách này cũng tổ chức tiêm chắc chắn có vấn đề "bất thường" và cơ quan chức năng cần vào cuộc. Còn giá thì bán buôn đã có giá trần là 630.000 đồng/liều. Có thể giá bán lẻ sẽ khác nhau ở mỗi điểm tiêm nhưng không được quá cao so với mức giá này. Người dân nếu phát hiện ở đâu bán giá cao hơn đề nghị thông báo cho chúng tôi. Nếu đúng là sự việc như vậy, chúng tôi sẽ đề nghị ngừng hợp đồng phân phối với đơn vị đó ngay lập tức", ông Trương Quốc Cường khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng thiếu vắc xin thời gian qua chỉ chủ yếu ở 2 vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" dịch vụ. Tuy nhiên, chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn bảo đảm cung cấp đủ vắc xin "5 trong 1" có thành phần tương đương dịch vụ. Một năm có 4,5 triệu mũi Quinvaxem được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, trong khi vắc xin dịch vụ chiếm 10% thị trường. Người dân quan ngại với vắc xin miễn phí, theo ông Trần Đắc Phu là do Quinvaxem có thành phần toàn tế bào ho gà nên khiến trẻ đau, sốt hơn là vắc xin vô bào "5 trong 1" Pentaxim. Chính vì thế, thời gian qua nhiều bà mẹ muốn chuyển sang tiêm vắc xin dịch vụ cho con. Dù khan hiếm vắc xin dịch vụ nhưng Bộ Y tế vẫn cố gắng để có vắc xin cho những người chưa thật sự tin tưởng vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Triển khai đăng ký qua mạng

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, sáng 26-12, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức họp với tất cả các điểm tiêm. Để không xảy ra lộn xộn, trung tâm đã có phương án đăng ký qua điện tử, trang web để tránh việc người dân phải xếp hàng. Phương án cụ thể như thế nào, thời gian tiêm, khi đi cần mang theo những gì, làm thủ tục gì… đơn vị sẽ công khai trên trang web các đơn vị liên quan hoặc các phương tiện truyền thông để tránh gây phiền hà cho người dân. Hà Nội có khoảng 150 nghìn trẻ dưới 1 tuổi. Nếu tiêm đủ mũi thì cần 450 nghìn mũi tiêm "5 trong 1". Như vậy, số vắc xin "5 trong 1" dịch vụ đã và sẽ có đáp ứng được 60-70% nhu cầu nhưng đó là chưa tính được số trẻ ở tỉnh, thành khác về Hà Nội tiêm.

Còn theo ông Trần Đắc Phu, để tránh tình trạng chen lấn hỗn loạn như những ngày vừa qua, sắp tới cơ quan chức năng sẽ triển khai việc đăng ký tiêm chủng qua mạng. Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chỉ khi nào người dân đăng ký xong mới được triển khai tiêm. Mặt khác, chúng tôi cũng quán triệt rõ ràng, dù đăng ký dưới hình thức nào cũng phải bảo đảm an toàn công bằng cho người dân, đặc biệt là phụ huynh không thuê, không nhờ "cò" xếp hàng… "Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí. Các điểm tiêm phải tuyên truyền phụ huynh thiếu thuốc dịch vụ thì phải quay sang tiêm Quinvaxem đúng lịch, không được chờ thuốc. Điều khiến ngành Y tế lo lắng nhất hiện nay là nếu vì lý do chờ đợi vắc xin dịch vụ, không tin tưởng vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho trẻ, ông Trần Đắc Phu đưa ra khuyến cáo, khi đi xếp hàng tiêm chủng, các bậc phụ huynh đặc biệt không đưa trẻ đi cùng. Nếu ở đâu, người dân phát hiện trường hợp cán bộ y tế đến tận nhà tiêm, tiêm vắc xin "xách tay" hay đẩy giá lên hàng triệu đồng thì hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để có phương án xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cố gắng để đủ vắc xin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.