(HNM) - Giữa năm 1994, đang học lớp 10 Trường chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, trên đường đi học về, Nguyễn Thị Mỹ Thành không may bị tai nạn giao thông phải mổ não ở Bệnh viện Việt Đức.
Qua cơn nguy kịch nhưng nửa người bên phải bị co cứng, cơ thể lúc nào cũng run rẩy, trí nhớ giảm sút, nói ngọng và diễn đạt rất chậm. Thành kể: "Em đã cố gắng chịu đau đớn để tập ngồi, rồi tập đứng, tập đi. Tay phải của em bị liệt nên em kiên trì tập viết, tập vẽ bằng tay trái. Nhờ kiên trì tập luyện, em đã nói rõ được, có thể tự làm một số công việc, tuy vẫn còn chậm".
Giữa lúc sức khỏe của Thành đang dần hồi phục thì bố em ốm nặng rồi qua đời. Nỗi buồn mất bố khiến Thành mắc thêm bệnh trầm cảm, cả gia đình lo lắng ra sức động viên, rồi cuối cùng mọi người quyết định mua tặng em chiếc máy vi tính. Từ đó chiếc máy tính đã trở thành người bạn thân thiết của em. "Hằng ngày, em vào mạng đọc báo, tìm hiểu thế giới xung quanh và kết bạn ở khắp mọi nơi. Lần đọc hết báo này tới báo khác, em thấy có rất nhiều cuộc thi viết hấp dẫn đăng trên các báo và em tham gia với mục đích để cuộc sống có thêm niềm vui", Thành tâm sự. Kết quả thật bất ngờ, ở hầu hết các cuộc thi, Thành đều đoạt giải. Cuộc thi để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Thành là thi tìm hiểu Luật Người khuyết tật năm 2011 do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội tổ chức. Thành viết bài dự thi dài 26 trang giấy bằng tay trái. Em cố gắng viết ngày, viết đêm trong suốt một tuần liền cho kịp thời gian, rồi nhờ mẹ gửi qua bưu điện. Niềm vui vỡ òa khi Thành nhận tin đoạt giải ba, cả gia đình chung vui với hạnh phúc này. Ngày mẹ và em trai đưa Thành đi nhận giải, Thành thấy mình thật vinh dự khi trở thành một trong ba người khuyết tật đoạt giải, trong số gần 3.000 bài của người khuyết tật trên tổng số gần 37.000 bài dự thi. Tại lễ trao giải, Thành chia sẻ: "Em thật bất ngờ khi bao tâm huyết gửi vào trang giấy của một người khuyết tật như em lại được xã hội đón nhận, trân trọng, điều mà bấy lâu nay em không tin là có thật".
Ngoài niềm đam mê tham gia các cuộc thi viết, Mỹ Thành còn mong muốn được tham gia các hoạt động tình nguyện, được làm việc tại các ngôi trường, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật để được cống hiến nhiều hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.