(HNM) - Hoàn cảnh nghiệt ngã, tuổi thơ cơ cực đã không ngăn cản được những khát vọng vươn lên của chị. Chị âm thầm lần tìm cách tiếp cận tri thức, xóa đi những rào cản để từng bước khẳng định bản thân và chị đã thành công.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Sóc Sơn. Chị là Nguyễn Thị Xuyến, ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Tuổi thơ cơ cực
Chị Xuyến sinh năm 1981, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đông, xã Phú Minh. Nhà có bảy người sống trông vào vài sào ruộng. Bố chị là người đàn ông trụ cột của gia đình lại bị nhiễm chất độc da cam, đau ốm liên miên, thành thử cái ăn, cái mặc cứ thiếu trước, hụt sau. Mùa đông, căn nhà trống hoác, gió lạnh lùa tứ phía. "Bạn bè có quần áo mới để khoe nhưng với chị em tôi, quần áo cứ được truyền từ đứa lớn sang đứa nhỏ cho đến khi rách hẳn không mặc được mới thôi. Có lẽ, hồi đó chẳng có gia đình nào ở Sóc Sơn nghèo như gia đình tôi", chị Xuyến nhớ lại.
Khi mới sinh được hơn 1 tuổi, chị Xuyến bị sốt cao, sau đó mắt bị mờ dần. Các bác sĩ bảo phải phẫu thuật ngay nhưng ngặt nỗi gia đình chị ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền để trả viện phí. Đến năm 2 tuổi, ngày cũng như đêm với chị chỉ là một màu đen. Tuổi thơ của chị u ám, mờ mịt bên bốn bức tường, lê la trên giường với củ khoai, củ sắn và cái bụng thường xuyên đói meo... Ngày đến tuổi đi học, chị nghe chúng bạn tíu tít kể chuyện học hành mà tủi thân, tủi phận. Thương con gái bất hạnh, bố mẹ chắt chiu, dành dụm từng đồng để có tiền đưa chị đến nhập học Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Gian nan con đường đến trường
Những ngày đầu sống trong môi trường mới là những ngày chị Xuyến phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức. Phải mất thời gian khá lâu, chị mới làm quen được với cuộc sống xa gia đình và học cách tự chăm sóc bản thân. Để chiến thắng số phận, chị học ngày, học đêm, chị lên thư viện mượn sách về đọc, bổ sung thêm kiến thức... Điều gì chưa hiểu, chị tìm đến thầy, cô hay trao đổi cùng bạn bè để tìm cho ra đáp án. Năm 1998, chị tốt nghiệp Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và được chuyển tiếp lên học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Ở trung tâm không có chỗ ở nội trú cho học sinh, vì thế những ngày đi học, chị đi xe buýt đến trường, tối ngủ nhờ ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Với người khiếm thị như chị mỗi lần lên, xuống xe buýt là cả một vấn đề nan giải. Đó là làm sao nhận ra xe mình cần, khi nào xuống và đi bộ thế nào để đến trường... chị đã không ít lần phải rơi nước mắt vì đi nhầm tuyến.
Học xong lớp 12, chị thi vào hai trường Đại học Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ. Nhà trường cho biết không thể tổ chức thi riêng đối với học sinh khiếm thị nhưng trường sẽ tiếp nhận chị vào học với tư cách là sinh viên dự thính, không phải nộp học phí và... không cấp bằng. Không chấp nhận hoàn cảnh, nghỉ ở nhà 2 năm, năm 2003 chị thi và đỗ vào lớp đào tạo tiếng Anh từ xa của Viện ĐH Mở Hà Nội và sau 4 năm theo học vất vả, chị đã tốt nghiệp với tấm bằng loại khá.
Gương mẫu trong cuộc sống
Là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Sóc Sơn, chị luôn gương mẫu, tận tụy với công việc và còn rất năng động, tìm mọi cách giúp các hội viên cùng cảnh ngộ hòa nhập cộng đồng. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội khẳng định: "Chị Xuyến là một cán bộ trẻ nhiệt tình, năng nổ và đầy tâm huyết. Chúng tôi rất cần những người như vậy để đẩy mạnh công tác hội, chăm sóc các hội viên tốt hơn nữa".
Không nói nhiều về những nỗ lực bản thân, chị Xuyến luôn cho rằng chị có ngày hôm nay phần nhiều bởi đã gặp may mắn. Cách nhìn cuộc sống lạc quan đã giúp chị vượt qua được nỗi đau của cuộc đời mình. Theo chị điều may mắn nhất, thứ quý báu nhất mà cuộc sống đã đền đáp cho chị chính là những tấm lòng của những người xung quanh, luôn chia sẻ, giúp đỡ chị vượt qua khó khăn. Công sức, tình yêu thương của mẹ, đối với chị là một nguồn động lực để chị luôn cố gắng, không đầu hàng số phận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.