(HNM) - Từ cuối năm 2010, thị trường trong nước lần lượt xuất hiện một loạt sản phẩm điện thoại di động mang thương hiệu Việt và điều đáng chú ý hầu hết
Người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội sử dụng những điện thoại giá rẻ, chất lượng tốt thương hiệu Việt trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Hải
Những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, thị trường lần lượt xuất hiện một loạt mẫu điện thoại di động thương hiệu Việt với sự nhập cuộc của các tên tuổi lớn trong nước. VNPT với Avio, CMC với Bluefone, Hanel với các mẫu Hanel mobile, HiPT với sản phẩm hi-mobile… Viettel cũng dự kiến cho ra mắt dòng sản phẩm này. Như vậy, cùng với các thương hiệu đã có trước đó trong giai đoạn 2008-2009 như Q-mobile (của Công ty Viễn thông An Bình), FPT-mobile (của FPT), Mobistar, Mobell, việc xuất hiện các mẫu mới trên đã tạo ra "cuộc chiến" cạnh tranh ở cả các phân khúc bình dân lẫn cao cấp. Sở dĩ như vậy là vì hầu hết điện thoại di động của các doanh nghiệp (DN) trong nước không chỉ được bán với giá rẻ mà còn nhiều tính năng nổi trội phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam như chức năng 2 sim 2 sóng, có thể quay phim chụp ảnh, thẻ nhớ, tính năng nghe nhạc. Ví dụ, các DN đều có mẫu thiết kế được bán với giá từ 400.000-500.000 đồng/chiếc đến trên dưới 2 triệu đồng/chiếc… điều mà điện thoại thương hiệu nước ngoài không có, chẳng hạn sản phẩm bình dân của họ, rẻ cũng là 800.000-900.000 đồng/chiếc, nếu là dòng cao cấp ít nhất cũng có giá hơn 3 triệu đồng và với số tiền này không phải ai cũng có thể mua được, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên. Với ưu thế đó, điện thoại thương hiệu Việt đã "hút" được lượng khách hàng không nhỏ và đang được kỳ vọng sẽ chiếm tới 40% thị phần trong nước.
Trở lại câu chuyện về sự "nở rộ" các thương hiệu điện thoại Việt, tiên phong, đạt được thành công phải kể đến Q-mobile của AB-Tel và hiện chiếm hơn 20% thị phần, được đánh giá chỉ xếp sau Nokia về tiêu thụ sản phẩm. Lý giải về lý do thành công của Q-mobile, một chuyên gia trong ngành cho rằng, trước hết thương hiệu này thành công là nhờ yếu tố thiên thời. Thời điểm đó, để mua được chiếc điện thoại vừa có nhiều tính năng, lại tiện lợi, giá rẻ thì chỉ có hàng của Trung Quốc, nhưng điểm bất cập là khi máy hỏng, trục trặc không có chỗ bảo hành… Do vậy, Q-mobile với chế độ bảo hành và nhiều chính sách có lợi cho người tiêu dùng đã dành được thị phần nhất định. Bên cạnh đó, Q-mobile cũng đi đầu tạo ra trào lưu ứng dụng khi thiết kế được mẫu bàn phím đẹp, bắt mắt không khác gì các thương hiệu toàn cầu như BlackBerry và sau này là FPT cũng có thiết kế điện thoại hấp dẫn như vậy… Hơn nữa, cả Q-mobile và FPT-mobile đều bắt tay với đối tác xây dựng kho phần mềm ứng dụng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đó là khi các hãng sản xuất nổi tiếng toàn cầu chưa để mắt đến việc sản xuất các sản phẩm bình dân. Nhưng, nay đã khác, đơn cử nhà sản xuất Nokia là tên tuổi lớn của làng công nghệ thế giới từng dẫn đầu thị phần về sản xuất điện thoại di động, tuy nhiên khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi cộng với một số yếu tố khác đã khiến cho nhà sản xuất của Phần Lan này mất vị trí và đang đứng trước những khó khăn không nhỏ. Đó là lý do mở ra câu chuyện mới khiến họ phải thay đổi quan điểm về sản xuất. Chỉ trong vòng 3 tháng gần đây (từ tháng 5 đến nay) Nokia đã lần lượt đưa ra 5 mẫu điện thoại 2 sim, đáng chú ý cuối tháng 8 vừa qua hãng này giới thiệu hai mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng mới nhất với giá dao động 600.000-750.000 đồng/chiếc.
Câu hỏi đặt ra, liệu các DN trong nước sẽ trở tay như thế nào khi các nhà sản xuất toàn cầu bắt đầu cạnh tranh với các sản phẩm có tính năng từng là ưu thế của mình, có giá tương tự và quan trọng hơn lại là thương hiệu nổi tiếng? Thị trường trong nước cũng từng có các bài học tương tự, đó là việc sản xuất máy tính thương hiệu Việt, sản xuất xe máy… Có ý kiến cho rằng, nếu như các DN trong nước không tự đưa ra sản phẩm có thiết kế nổi bật, tự nắm một vài khâu sản xuất quan trọng (hiện thuê sản xuất 100% tại nước ngoài) thì về lâu dài, khó có thể cạnh tranh trụ hạng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.