Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ đông Nokia chính thức thông qua thương vụ “bán mình” cho Microsoft

T.Thủy| 20/11/2013 10:02

Mọi hy vọng về việc Nokia sẽ từ chối bán bộ phận thiết bị và dịch vụ của mình cho Microsoft đã hoàn toàn bị dập tắt sau khi cổ đông của hãng điện thoại Phần Lan đã thông qua và chấp nhận thương vụ này.

Theo tờ báo Financial Times, trong cuộc họp mặt cổ đông của Nokia diễn ra vào 7 giờ tối ngày hôm qua theo giờ Việt Nam (19/11), các cổ đông của Microsoft đã thông qua và chấp thuận thương vụ Microsoft mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của hãng, với tỷ lệ tán thành lên đến 99,7%.

Một số cổ đông và bày tỏ sự tức giận và không chấp thuận thương vụ Microsoft mua lại công ty “biểu tượng của Phần Lan” nhưng chừng đó là chưa đủ để ngăn chặn thương vụ có trị giá lên đến hơn 7,2 tỷ USD này.

Nếu không có gì thay đổi, Nokia sẽ sớm trở thành “người nhà” của Microsoft


Trước đó cuộc gặp mặt cổ đông diễn ra lần này được kỳ vọng là cơ hội cuối cùng để những ai phản đối thương vụ thâu tóm của Microsoft có thể lên tiếng và làm thay đổi tương lai của Nokia, tuy nhiên trên thực tế có vẻ như cuộc gặp mặt cổ đông lần này chỉ mang tính chất thủ tục, bởi lẽ theo nhiều nhà phân tích Nokia hiện giờ không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải “bán mình”.

Tuy nhiên trên thực tế những người yêu mến Nokia và không muốn công ty này bị bán cho Microsoft vẫn còn một cơ hội cuối cùng, mặc dù rất mong manh, đó là hy vọng chính phủ Phần Lan sẽ vào cuộc và ngăn chặn thương vụ này hoàn tất.

Dĩ nhiên với việc phải bán đi một công ty được xem là biểu tượng của quốc gia là điều mà không bất kỳ người Phần Lan nào mong muốn, dù vậy việc chính phủ Phần Lan có can thiệp vào thương vụ này hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.

Hồi tháng 9 Nokia đã chấp thuận đề nghị mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia từ Microsoft với giá 7,2 tỷ USD.

“Tôi nghĩ rằng đây là một mức giá phù hợp với tình hình của chúng tôi hiện nay”, Matti Pirkola, một cổ đông 58 tuổi của Nokia cho biết sau buổi gặp mặt cổ động.

Thương vụ này sẽ giúp Nokia tăng lượng tiền mặt của công ty lên thành 8 tỷ Euro từ mức 2 tỷ Euro vào cuối quý III/2013. Điều này sẽ giúp Nokia có thêm khoản tiền để chi trả cổ tức cho các cổ đông. Vào đầu năm nay, lần đầu tiên trong 148 năm tồn tại của Nokia, công ty đã phải treo cổ tức hàng năm của mình để đảm bảo lượng tiền mặt còn lại của công ty.

Số phận thương hiệu Lumia và Asha vẫn chưa được định đoạt

Sau khi thương vụ hoàn tất vào đầu năm sau, Microsoft sẽ sở hữu Lumia và Asha, 2 thương hiệu mà Nokia đã mất rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng trên thị trường di động.

Hiện chưa rõ Microsoft sẽ có kế hoạch như thế nào để tích hợp dòng sản phẩm Lumia và Asha của Nokia với chiến lược tiếp thị sản phẩm di động của hãng. Trước đó CEO Steve Ballmer của Microsoft từng thừa nhận Microsoft và Nokia nên tìm một giải pháp tốt hơn về cách quy ước đặt tên của sản phẩm để sản phẩm không có tên quá dài và phức tạp, chẳng hạn như “Nokia Lumia Windows Phone 1020”.

Microsoft có thể lựa chọn để kết hợp 2 thương hiệu này với thương hiệu Surface mà hãng đang sở hữu hoặc có thể thay đổi hoàn toàn thương hiệu này và thậm chí tồi tệ hơn có thể “khai tử” để xây dựng nên một thương hiệu mới, tuy nhiên hiện tại Microsoft chưa tiết lộ kế hoạch của mình.

Ngoài ra, sau khi thương vụ hoàn tất, cựu CEO của Nokia Stephen Elop sẽ trở lại Microsoft làm việc vào đầu năm tới với vai trò Giám đốc bộ phận Thiết bị và dịch vụ, chính là bộ phận mà Microsoft vừa mua lại của Nokia.

Trước đó nhiều nguồn tin cho rằng Stephen Elop có tên trong bảng danh sách rút gọn những ứng viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế CEO tại Microsoft sau khi CEO Steve Ballmer nghỉ hưu trong thời gian tới. Rất có thể với việc quay trở lại làm việc tại Microsoft sẽ mở đường cho việc Stephen Elop leo lên chiếc ghế quyền lực nhất tại Microsoft.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ đông Nokia chính thức thông qua thương vụ “bán mình” cho Microsoft

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.