Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế thẩm định nhiều lỗ hổng (tiếp theo và hết)

Hà Phong - Thu Vân| 05/09/2013 07:18

(HNM) - Phát huy dân chủ hơn nữa trong quy trình xây dựng pháp luật là một trong những giải pháp tiên quyết nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là phải xử lý thấu đáo

Không thể "đơn giản hóa" trong ý thức và cách làm

Những lỗ hổng về công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thật ra đã được các chuyên gia pháp luật trong nước nhận diện từ lâu. Tuy nhiên, lý giải mới nhất của Bộ Tư pháp có những điểm đáng lưu ý. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, từ năm 2009 đến nay là giai đoạn "nở rộ" của VBQPPL với hàng loạt các luật, pháp lệnh được ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung, kéo theo hàng loạt các hướng dẫn, quy định chi tiết sau đó. Thực tế này khiến số lượng dự thảo VBQPPL cần phải thẩm định tăng theo với nội dung ngày càng đa dạng, có nhiều yếu tố mới cả về lý luận và thực tiễn. Thế nhưng, theo Bộ Tư pháp, ngoài những nguyên nhân khách quan, khó khăn của công tác thẩm định ngày càng được "củng cố" bởi thái độ "vô cảm" của các cơ quan xây dựng, soạn thảo văn bản. Tình trạng phổ biến hiện nay là hồ sơ thẩm định gửi đến Bộ Tư pháp còn sai sót về thủ tục, thậm chí thiếu các tài liệu quan trọng, quyết định chất lượng thẩm định. Trong khi đó, lực lượng rà soát, kiểm tra trình độ chưa đồng đều, có đến 41% cán bộ, công chức dưới 30 tuổi làm công tác này, vậy nên chuyện thiếu kinh nghiệm hoặc ngại va chạm là khó tránh khỏi.

Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan xây dựng chính sách cũng bị cắt khúc. Nhiều trường hợp việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của cơ quan chủ trì mang tính ước lệ, có những văn bản chưa thẩm định vẫn được đưa vào chương trình của Chính phủ. Lại có những văn bản được "sản xuất" theo quy trình ngược, tức là trình Chính phủ trước, sau đó mới quay lại để cơ quan chức năng thẩm định. Cùng với đó, việc giải trình ý kiến thẩm định còn bị "đơn giản hóa" làm cho việc kiểm tra, rà soát càng trở nên hình thức. Minh chứng gần đây nhất là việc xây dựng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Khi thẩm định, thấy nhiều điểm mâu thuẫn, Cục Rà soát văn bản pháp luật (Bộ Tư pháp) đã làm cuộc điều tra nhỏ, phát hiện bộ phận pháp chế các cơ quan liên quan vào cuộc rất chậm. Ngay cả đơn vị chủ trì thẩm định bên Bộ Tư pháp là Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cũng ít được mời họp. Thiếu cơ chế phối hợp nên dự thảo ngoài nhiều điểm không hợp lý, còn được viết như văn xuôi, báo cáo. Trong khi đó, đặc thù của VBQPPL là phải diễn đạt gọn, rõ, thể hiện đúng quan điểm, chuẩn xác về ý tứ…

Những lỗ hổng trong công tác xây dựng và thẩm định VBQPPL khiến ông Trần Văn Quảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) phải thốt lên: "Với những lý do như thế này thì khâu thẩm định VBQPPL không đạt chất lượng cũng là chuyện... bình thường". Còn bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) nêu thắc mắc: "Tôi không hiểu sao thời gian gần đây các dự thảo gửi về Bộ Tư pháp yêu cầu thẩm định có chất lượng và cả nội dung không rõ ràng. Càng ngày việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập càng kém, kỹ năng phát hiện vấn đề, xây dựng vấn đề chưa bảo đảm".

TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): Luật quy định ngay từ khâu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chủ trì phải mời Bộ Tư pháp tham gia thẩm định. Thế nhưng hiện nay đa số khi soạn thảo xong văn bản họ mới "ném qua" Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Người dân có thể khởi kiện các văn bản "có vấn đề"

Bàn hướng tháo gỡ những bất cập trên, một giải pháp được nhiều chuyên gia pháp luật thuộc Bộ Tư pháp ủng hộ là sẽ đề nghị Văn phòng Chính phủ kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ hoặc phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật các dự thảo VBQPPL chưa tuân thủ quy trình thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo đề xuất của Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng: "Cần đổi mới cách thức tổ chức phiên họp thẩm định VBQPPL theo hướng công khai. Các phiên họp của Hội đồng thẩm định nên để các cơ quan thông tấn báo chí dự, đưa tin về nội dung và các ý kiến đóng góp".

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra cơ chế để người dân có thể khởi kiện các văn bản "có vấn đề". Như hiện nay, với trường hợp các văn bản đã có một thời gian thực hiện và gây thiệt hại hoặc tạo ra hậu quả cho xã hội rồi sau đó phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ thì lại chưa có chế tài cụ thể để xử lý, khắc phục hậu quả. Điều này cũng có nghĩa người dân chưa thể đòi bồi thường. Còn cơ quan ban hành văn bản càng có điều kiện để "ngồi trên trời" ra chính sách, "làm luật trong phòng lạnh". Một thiếu sót nữa là luật hiện hành còn thiếu hướng dẫn chi tiết và cơ chế ràng buộc, xử lý triệt để trách nhiệm của những người đã tham gia tham mưu, soạn thảo, ban hành những VBQPPL "có vấn đề", trái với các quy định của pháp luật, gây hậu quả cho xã hội hoặc làm khó dễ các đơn vị, DN và người dân.

Đồng tình với hầu hết những đề xuất trên, tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thẳng thắn cho rằng, chính Bộ Tư pháp cũng phải nhìn nhận lại công tác thẩm định hiện nay. Thời gian qua, vẫn còn những văn bản đã qua thẩm định nhưng vẫn lọt lưới những điểm mâu thuẫn, chỉ khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng mới vào cuộc, như quy định về cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ, ghi tên bố mẹ trong chứng minh thư nhân dân, sản xuất rượu thủ công phải đăng ký với chính quyền địa phương… Do đó, theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, không phải ngẫu nhiên nhiều nước trên thế giới trước khi đào tạo luật thì người học phải tốt nghiệp các trường đại học khác như tài chính, kinh tế… Xây dựng pháp luật không phải là những văn bản pháp lý thuần túy mà là những nội dung chính sách, cơ chế có liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội, do đó người thẩm định phải gắn kết được chính sách với diễn biến chính trị, kinh tế - xã hội. Đây cũng là hướng Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế có tư chất, chuyên môn giỏi, được đào tạo bài bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế thẩm định nhiều lỗ hổng (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.