(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là tròn một tháng TP Hà Nội áp dụng hình thức xử phạt đối với hành vi xả chất thải không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Hànộimới, trên nhiều tuyến đường, phố, dường như người dân vẫn chưa biết đến quy định xử phạt này, tại một số nơi, rác thải không được tập kết đúng điểm quy định xuất hiện khá nhiều.
Điều đó cho thấy, mặc dù TP quyết tâm dẹp nạn rác đổ không đúng nơi quy định nhưng công tác tuyên truyền, phối hợp thực thi của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng còn chưa hiệu quả.
Rác thải bừa bãi trên phố Nguyễn Văn Tố (phường Hàng Bông). Ảnh: Đàm Duy |
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ rác không đúng quy định. 4. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các biện pháp sau đây: a). Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; b). Buộc thực hiện đúng các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường. (Trích Điều 46 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) |
Ngay đầu phố Phú Viên, quận Long Biên và trước số nhà 74 Nguyễn Trường Tộ hiện tượng đổ rác tràn lan vẫn xảy ra. Điều đáng buồn là người dân đã quen với những lỗi vi phạm và cho nó là điều hiển nhiên nên tất cả những hành vi đổ rác ra đường đều được thực hiện một cách công khai, giữa ban ngày, trước mắt thiên hạ mà không hề bị phản đối.
Bà Quản Thu Trang, ở ngõ 113 phố Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thừa nhận: "Thú thực, tôi cũng không biết có quy định phạt. Nhưng phải thừa nhận là nhiều người dân sống trong phường Yên Hòa ý thức rất kém. Xe rác để ngay rìa đường mà nhiều người còn lười tới mức vừa phóng xe máy vừa tranh thủ liệng rác vào thùng. Rồi quăng trượt, túi rách, rác lại bắn tung tóe, trải khắp mặt đường - nơi công nhân Công ty Vệ sinh môi trường đô thị vừa hì hụi quét sạch trước đó ít phút... Phần lớn những người thiếu ý thức là người lao động từ nông thôn ra Thủ đô lập nghiệp và về trọ trên địa bàn phường". Để minh chứng cho nhận xét trên, bà Trang nêu ví dụ: ở đoạn đường Nguyễn Khang, khoảng 18-19h tối, nếu phục kích có thể thấy, nhiều công nhân cứ đến giờ này là đồng loạt "tướng lên đài", vứt trộm rác vào bãi đất ngay sát cầu Yên Hòa. Hình ảnh trên còn có thể bắt gặp ở nhiều đoạn dọc sông Tô Lịch. Tuy nhiên có lẽ cho rằng đây là việc "tế nhị", đồng thời những hành vi trên đều được thực hiện vào thời điểm, địa điểm vắng bóng các lực lượng chức năng nên bắt được quả tang không dễ chút nào.
Người dân phường Vĩnh Phúc đổ rác đúng nơi quy định. Ảnh: Phương An |
Chưa phạt được thì tiếp tục... dọn rác?
Mong chờ quy định xử phạt nặng hành vi đổ rác sai quy định được thực hiện một cách nghiêm minh nhất, có lẽ là những công nhân vệ sinh môi trường. Chị Ngô Thị Mừng (Xuân Trường, Nam Định) - người đã nhiều năm dọn vệ sinh ở ngõ 84 - Ngọc Khánh cho biết, hơn ai hết, các chị là người hiểu rõ nhất nỗi vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường. "Chúng tôi là những người trợ giúp đắc lực cho các anh chị công nhân ở đây. Có đi làm cùng mới hiểu, các anh chị ấy vất vả như thế nào" - chị Mừng nói. Theo chị Mừng, nhóm của chị có 3 người, hằng ngày túc trực gần như 24/24h ở chân điểm (nơi tập trung rác trước khi đưa ra các điểm tập kết để ô tô chở đi) để nhặt rác và cùng quét dọn, làm vệ sinh với công nhân vệ sinh môi trường. Nhưng nhiều người quá vô ý thức. Mặc dù xe rác để sẵn đó, công nhân thì đang thu dọn, hót rác lên thùng nhưng người ta vẫn cứ vô tư vứt xuống đất, ngay chân thùng rác. Đôi khi gặp những hành vi quá đáng, không nhịn được, lực lượng thu gom nhắc nhở thì có người cự lại: "Đã trả tiền thu dọn rác rồi". Cũng theo chị Mừng, mặc dù có rất nhiều người vi phạm, nhưng việc bắt được quả tang để phạt cũng không dễ. Họ chỉ vứt vèo một cái là xong, làm sao mà lực lượng chức năng "bắt" được? Hơn nữa, bắt rồi thì xử phạt như thế nào cũng khó, vì "tang vật" chỉ là một túi rác. Trường hợp nếu là một cô giúp việc đi vứt rác thì chả biết sẽ xử phạt người vứt rác hay xử phạt chủ nhà cũng là câu hỏi cần được các nhà quản lý đặt ra.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Minh (Đoàn luật sư Hà Nội), trong khi chờ cơ quan chức năng lấp những kẽ hở từ quy định xử phạt rác, chính quyền địa phương phải phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt nhằm giữ sự sạch sẽ của đường phố bằng hành động cụ thể chứ không chỉ treo băng rôn tuyên truyền, vận động. Bởi lẽ, Nghị định 150/2005 của Chính phủ đã quy định cụ thể thẩm quyền kiểm tra, xử phạt là lực lượng công an, chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường. Do đó, nếu những đối tượng chuyên trách này không quản lý được địa bàn của mình thì cũng cần có chế tài xử lý. Mặt khác ngân sách TP cần hỗ trợ thêm cho lực lượng xử lý, tăng giờ làm việc vì ngoài chế tài, còn cần phải đủ lực lượng để phạt nghiêm minh, giảm dần những hành vi, thói quen xấu đang phổ biến ở Thủ đô. Nếu phạt đúng, cần trích tỷ lệ phần trăm ngay từ số tiền phạt thu được để thưởng cho người xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.