(HNM) - Theo các chuyên gia về lao động, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp (DN) sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về hiệu suất, chi phí và chất lượng.
Hoàn thiện cơ chế đối thoại “3 bên” sẽ góp phần đẩy mạnh việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. |
Việc này sẽ tác động tới mối quan hệ tại nơi làm việc và làm nảy sinh mâu thuẫn, có thể dẫn đến đình công và tranh chấp nhiều hơn. Và để giải quyết được vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị: Cần phải có một cơ chế đối thoại 3 bên, giữa những người làm chính sách về lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, việc đưa ra cơ chế cũng như thực hiện cơ chế này để phát triển việc làm và quan hệ lành mạnh xem ra vẫn còn loay hoay.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế gắn với tiến bộ khoa học và công nghệ thì thị trường lao động tại Việt Nam được mở rộng đã giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, tạo điều kiện để người lao động tiếp thu kiến thức, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao trình độ tay nghề.
Hội nhập kinh tế đã tạo ra các luồng dịch chuyển lao động đa dạng hơn, với tốc độ nhanh hơn trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Yêu cầu quản lý và bảo vệ người lao động trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp hơn. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, hoàn thiện khung pháp luật lao động và nâng cao năng lực thi hành pháp luật lao động đã trở thành những điều kiện không thể thiếu để Việt Nam tiếp tục phát triển.
Và để làm tốt được điều này, các chuyên gia lao động thế giới cho rằng, Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế đối thoại 3 bên. Nghĩa là cần phải sử dụng mọi hình thức để thương lượng và trao đổi thông tin giữa đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động gắn với lợi ích chung có liên quan đến chính sách kinh tế và xã hội. Cũng theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, các cơ quan chức năng cần đối thoại theo từng khu vực nhỏ, có thể chia theo lĩnh vực, địa phương hoặc cấp quốc gia. Đặc biệt, cần có nhiều hình thức mới như song phương, đa phương nhưng tốt nhất là hình thức song phương với sự tham gia của chính phủ.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, vấn đề đối thoại xã hội bảo đảm việc làm và quyền lợi của người lao động cũng như xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp và các lĩnh vực ngành nghề luôn là mối quan tâm hàng đầu của Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy đối thoại xã hội. Tuy nhiên, chức năng của công đoàn cũng mới chỉ dừng lại ở việc thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể có chất lượng ở cấp doanh nghiệp, tiếp đến là cấp ngành. Ông Chính cũng cho rằng, để đối thoại mang tính thẳng thắn, có chất lượng cần phải dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, an ninh - chính trị và văn hóa - xã hội. Làm được điều đó, phải thiết lập được các kênh đối thoại tin cậy lẫn nhau, tôn trọng nhau. Trong đó, công đoàn phải được tham gia vào các cơ chế ra quyết định ở tầm quốc gia và khu vực, có tư cách tham vấn với ban thư ký.
Như vậy, rõ ràng hiện nay 3 bên thực hiện cơ chế đối thoại đã được định rõ đó là đại diện Chính phủ, Liên đoàn Lao động và đại diện giới chủ - VCCI. Tuy nhiên, cơ chế đối thoại mới chỉ được thực hiện ở cấp vĩ mô, rất ít các cuộc đối thoại mang tính chất khu vực, lĩnh vực theo khuyến nghị của các chuyên gia lao động. Điều đó khiến các bên không hiểu sâu được nhau, không biết những khó khăn, thuận lợi của nhau, do đó chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển quan hệ lao động lành mạnh, vì sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.