Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế bất cập

Đỗ Hà| 17/08/2011 07:55

(HNM) - Mặc dù Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2009-2020 tại Hà Nội đã triển khai được hơn hai năm, nhưng đến nay hầu hết các mục tiêu của CT đều chưa đạt, một số mục tiêu


Nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân nông thôn (NT) trên cơ sở tăng cường, cải thiện các dịch vụ cấp NS&VSMT; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do các hoạt động sinh hoạt của người dân và sự phát triển của sản xuất gây ra... tháng 6-2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt CT cung cấp NS& VSMTNT Hà Nội (giai đoạn 2009-2020) và đặt ra các mục tiêu phấn đấu hoàn thành đến năm 2010.


Người dân nông thôn cần được sử dụng nguồn nước sạch.



Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, các mục tiêu CT đề ra hầu hết không đạt. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực thực hiện CT, năm 2011 này UBND TP Hà Nội ra quyết định giao kế hoạch vốn chậm (26-4-2011) nên việc triển khai CT từ đầu năm đến nay hầu như chưa đạt kết quả. Đáng nói là, do kế hoạch giao vốn chậm đã khiến cho việc triển khai một số công trình gặp khó khăn. Theo kế hoạch, trong năm 2011, Hà Nội triển khai 5 công trình cấp nước sạch chuyển tiếp, khởi công 5 công trình mới (do UBND các huyện thực hiện) với tổng kinh phí xây dựng 42.900 triệu đồng; hai công trình xử lý chất thải làng nghề với kinh phí 2.600 triệu đồng; 1.050 công trình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh với kinh phí 603,75 triệu đồng... nhưng đến hết tháng 6-2011 vẫn chưa triển khai được công trình nào.

Về những nguyên nhân khiến cho CT cung cấp NS&VSMTNT tại Hà Nội chậm tiến độ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết: Khi xây dựng CT, nhiều chỉ tiêu, nội dung đề ra chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. CT đề ra một số việc cần làm ngay trong giai đoạn 2009-2010, nhưng nay rà soát lại thì tính khả thi không cao bởi xây dựng CT không đồng thời với việc xây dựng chính sách hỗ trợ. Đơn cử, mục tiêu trong giai đoạn 2009-2010 xây dựng 28.000 công trình xử lý NS hộ gia đình để cấp cho 140.000 người dân nông thôn với mô hình bể lọc chậm, góp phần tăng 3,5% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; xây dựng mới 43.000 công trình nhà tiêu tự hoại cho các hộ chưa có nhà tiêu hoặc tạm bợ để bảo đảm 100% số hộ có nhà tiêu. Nhưng khi triển khai các mục tiêu này lại gặp khó khăn bởi đến nay TP vẫn chưa thống nhất được chính sách hỗ trợ và triển khai các dự án này theo hướng nào.

Cũng theo ông Đào Duy Tâm, nguyên nhân nữa khiến CT chậm tiến độ do cơ chế đầu tư công trình cung cấp NS ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Ví dụ, người dân khu vực nội thành khi sử dụng NS chỉ phải bỏ tiền lắp đường ống nước vào nhà, lắp đồng hồ là có NS, nhưng ở khu vực NT, người dân vừa phải bỏ tiền lắp đường ống từ hàng rào vào nhà, mua đồng hồ, vừa phải góp tiền lắp đường dịch vụ nội xóm, nội thôn. Đây là khó khăn khiến cho nhiều công trình cấp nước tập trung ở NT Hà Nội dở dang vì nguồn vốn nhân dân phải đóng góp hầu như không thu được. Ở một số tỉnh, tất cả các công trình cấp NSNT được đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước, người dân chỉ phải bỏ tiền lắp đồng hồ, thậm chí không phải chi một đồng tiền nào mà vẫn được sử dụng NS.

Cơ chế quản lý các công trình cấp NS nói riêng và CT cung cấp NS& VSMTNT nói chung ở Hà Nội cũng có nhiều bất cập như việc giao cho UBND các xã, thị trấn hay các HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý, khai thác công trình NS. Các đơn vị này năng lực và chuyên môn còn hạn chế nên hầu hết các công trình hoạt động kém hiệu quả. Một số công trình chỉ hoạt động được thời gian ngắn sau đó ngừng hẳn do hỏng hóc, xuống cấp. Ngoài những nguyên nhân trên, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện CT; trong chỉ đạo thực hiện CT còn có sự chồng chéo giữa các sở, ngành...

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện CT cung cấp NS&VSMTNT góp phần nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% vào năm 2015 và bảo đảm VSMTNT, Sở NN&PTNT cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể cấp NS&VSMTNT Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tập trung tháo gỡ những tồn tại về cơ chế đầu tư, quản lý, điều hành, khai thác các công trình cung cấp NS; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc giữ gìn nguồn nước, bảo đảm VSMTNT. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư và khai thác hiệu quả các công trình NS tập trung khu vực nông thôn; thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt ở các huyện ngoại thành, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra...

Tính đến hết năm 2010, toàn TP mới chỉ có 84% dân số NT được sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) (mục tiêu là 90%), trong đó 32,1% dân số sử dụng NS theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (mục tiêu là 40%); 71,2% số hộ NT có nhà tiêu HVS (mục tiêu 100%); 59,2% số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải (mục tiêu là 80%).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.