(HNM) - Ngày 25-2-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản...”. Thực hiện kế hoạch này, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu dựa trên đặc thù địa phương, tập trung nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản.
Còn nhiều “lực cản”
Thời gian gần đây, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã trở thành vùng nhãn chín muộn nổi tiếng với diện tích lên tới 115ha, sản lượng 2.500-3.000 tấn/năm. “Phần lớn diện tích đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, một số vườn được cấp mã vạch xuất khẩu đến thị trường các nước: Mỹ, Ba Lan, Malaysia… Hiệu quả kinh tế của cây nhãn chín muộn đạt từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm”, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích chia sẻ.
Nhãn chín muộn Đại Thành không phải là vùng sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao hiếm hoi của Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, thành phố đã phát triển hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 40.000ha; 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với 3.800 trang trại quy mô lớn; tạo dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 141 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Những thành tựu nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Những “lực cản” khiến nhiều nông sản của Hà Nội có chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp, phát triển chưa bền vững là: Diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, phân bố nhỏ lẻ; sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nông hộ, kinh tế trang trại; kinh tế tập thể có hiệu quả chưa cao; số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, dàn trải, cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; khả năng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi giá trị còn hạn chế...
Những bất cập này càng thể hiện rõ khi mới đây, trước tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nông sản của huyện Mê Linh, đặc biệt là rau, củ, quả đã không tìm được đầu ra, buộc các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô phải chung tay hỗ trợ tiêu thụ.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp; xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… đòi hỏi ngành Nông nghiệp Thủ đô phải tổ chức lại sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Chú trọng yếu tố chất lượng
Về việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn 2021-2025, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin: "Thời gian tới, Trung tâm sẽ liên kết với các nhà trường, học viện tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp cho cán bộ kỹ thuật và quản lý từ thành phố đến cơ sở, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các chương trình, mô hình điểm của khuyến nông".
Trong khi đó, thực hiện cơ cấu lại lao động và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội sẽ tập trung phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn phát triển các sản phẩm chủ lực với kinh tế làng nghề, xây dựng nông thôn mới, du lịch sinh thái, làng nghề. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho hay, huyện sẽ chú trọng việc quy hoạch vùng để tạo ra quỹ đất lớn, tháo gỡ khó khăn trong việc thuê đất giữa các hộ dân, giữa người dân và doanh nghiệp, từ đó hình thành nhiều hơn các vùng sản xuất tập trung.
Dưới góc độ một doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng kiến nghị: “Chúng tôi đang liên kết với một số hợp tác xã, hộ nông dân ở các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Đông Anh để cung ứng rau sạch, gà sạch cho chuỗi cửa hàng của công ty. Qua thực tế, tôi cho rằng để phát triển bền vững, các địa phương cần hình thành các vùng sản xuất tập trung; tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong vấn đề truy xuất nguồn gốc, vì hiện nay nguồn hàng nhiều thời điểm bấp bênh, thiếu chứng nhận xuất xứ…”.
Liên quan đến nhiệm vụ tái cơ cấu, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ giảm dần sự phát triển theo diện rộng, tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao có thế mạnh, qua đó nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh.
“Cùng với đó, để hỗ trợ cơ cấu lại, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tiễn, đặc biệt là việc khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Đối với vấn đề liên kết phát triển sản xuất - chế biến - tiêu thụ, Sở sẽ tập trung đề xuất hỗ trợ vốn cho kinh tế hộ nông dân theo hình thức liên kết giữa hộ nông dân trong hợp tác xã với doanh nghiệp và chủ thể khác; hình thành một số chuỗi liên kết mẫu, có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các đối tượng liên kết. Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.