Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có cần sổ hộ tịch?

Bách Sen| 11/05/2013 07:06

Bộ Tư pháp đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Hộ tịch tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối tháng 5 này.

Trong đó, Ban soạn thảo đưa vào quy định lập sổ hộ tịch cho công dân với mục đích lưu giữ tất cả các sự kiện hộ tịch phát sinh trong một đời người, giúp từng người gom thông tin cá nhân vào một mối thay vì phải giữ trong người những giấy tờ đơn lẻ. Như vậy, khi cần giao dịch, hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân không cần mất thời gian truy lục các giấy tờ đang lưu giữ mà chỉ cần mang theo duy nhất sổ hộ tịch. Để không tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc khi triển khai, Bộ Tư pháp chỉ đặt ra việc cấp sổ cho những người sinh ra sau ngày luật có hiệu lực, còn với 87 triệu dân số hiện tại, các loại giấy tờ hộ tịch vẫn giữ nguyên giá trị.

Trước đề xuất của Bộ Tư pháp, có ý kiến cho rằng, sự đổi mới này sẽ khắc phục triệt để hiện tượng tản mát dữ liệu hộ tịch như hiện nay. Nhưng đây có phải là giải pháp ưu việt?

Ai cũng biết, công tác hộ tịch lâu nay chỉ liên quan đến các nội dung: Khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính... Trên thực tế, hầu hết người dân chỉ cần lưu hai thứ chính: Khai sinh và kết hôn. Số rất ít là những người có nhu cầu giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, thay đổi giới tính. Nay gom tất cả dữ liệu vào một mối trong cuốn sổ "chỉ có vài ba trang" để làm khóa kết nối giấy tờ vừa không cần thiết, vừa có thể gây xáo trộn trong đời sống người dân. Triển khai theo hướng này còn có thêm phiền toái là khi công dân chỉ cần chứng minh một sự kiện nhỏ gì đó nhưng họ lại phải xuất trình tất cả thông tin trong sổ hộ tịch, dẫn đến lộ bí mật đời tư. Hoặc trường hợp bị mất sổ hộ tịch cá nhân, người dân cũng mất hết mọi thông tin về bản thân.

Mặt khác, nếu quy định này trong dự luật được thông qua, việc không cấp mới sổ hộ tịch cá nhân cho dân số hiện có sẽ khiến Nhà nước rất khó quản lý. Xã hội phát sinh thêm nhiều vấn đề khi tồn tại song song hai hệ thống sổ về hộ tịch, cùng một sự kiện hộ tịch nhưng mỗi công dân lại có những giấy tờ, hồ sơ khác nhau, thực hiện theo những quy trình, thủ tục khác nhau. Chưa dừng lại ở phiền toái này, việc triển khai sổ hộ tịch còn có nguy cơ gây tốn kém. Bởi về lâu dài, việc quản lý hộ tịch bằng giấy tờ không tránh khỏi rách, nát, hư hỏng.

Nên chăng, cần giữ nguyên các giấy tờ thiết yếu hiện hành để vừa bảo đảm công tác tra cứu vừa chống giả mạo, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cần sổ hộ tịch?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.