(HNM) - Mới đây, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng thông tư về quản lý giá cước, từ đó làm cơ sở xác định DN có phá giá thị trường hay không.
Đây là vấn đề không mới, từ đầu năm 2010, sau khi có ý kiến đề nghị của hai tập đoàn VNPT, Viettel, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhiều lần có ý kiến về việc xây dựng quy định về giá cước, trong đó có giá sàn di động.
Theo ý kiến của lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), gần đây các nhà mạng nhỏ đã đưa ra một số gói cước có dấu hiệu bán phá giá thị trường và nếu DN tiếp tục đưa ra các gói cước như vậy sẽ dẫn tới hệ lụy là các mạng khác cũng chạy theo bán phá giá gây bất ổn cho thị trường viễn thông. Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị cơ quan Thanh tra bộ tiếp tục phối hợp để xử lý nghiêm các vi phạm về việc bán phá giá ở các gói cước của nhà mạng.
Khách hàng giao dịch tại điểm dịch vụ của Mobifone.Ảnh: Phương An
Từ tháng 9-2011, mạng Beeline đưa ra gói cước "Tỷ phú 1" với mức khuyến mãi được coi là siêu khủng: mua sim giá 20.000 đồng sẽ được 20.000 đồng trong tài khoản chính và 1 tỷ đồng trong tài khoản nội mạng chia đều trong 10 năm, mỗi ngày khách hàng có 270.000 đồng để gọi nội mạng; tuy nhiên, để duy trì thì hằng tháng khách hàng phải nạp 20.000 đồng (để gọi ngoại mạng và nhắn tin). Sau đó, gói cước này của Beeline đã bị Bộ TT-TT yêu cầu ngừng cung cấp vì có dấu hiệu bán phá giá thị trường… Nhưng, ít ngày sau, nhà mạng này đã điều chỉnh và đưa ra gói cước "Tỷ phú 2", vẫn giữ mức khuyến mãi siêu khủng như trên, song bắt buộc khách hàng phải phát sinh cước cuộc gọi/ngày từ 1.350 đồng trở lên, như vậy trung bình thuê bao phải bỏ ra ít nhất 40.500 đồng/tháng mới được hưởng ưu đãi lớn. Sau khi có gói cước này, lượng thuê bao của Beeline đã tăng đột biến (tăng trưởng tới 400%/ngày), trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, Beeline đã phải xin Bộ TT-TT cấp thêm dải số của đầu 099 để khai thác và được biết cơ quan quản lý đã cấp thêm 1 triệu số từ dải 0994 cho mạng này. Như vậy, có thể thấy rằng, cho dù trên các diễn đàn mạng, không ít khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ của Beeline kém do vùng phủ sóng chưa tốt, nhưng rõ ràng với những động thái khuyến mãi cước siêu rẻ như trên, có thể thấy Beeline đã thành công trong việc kéo được lượng khách không nhỏ đăng ký sử dụng. Câu hỏi đặt ra, liệu các mạng nhỏ khác, nhất là các "đại gia" giữ thị phần khống chế có tiếp tục ngồi yên? Điều này là khó và để giữ thuê bao có thể họ cũng sẽ đưa ra những gói cước nội mạng giá trị lớn hơn hoặc gần bằng. Và khi đó thị trường sẽ ra sao?
Trở lại vấn đề khung giá cước cho di động, câu chuyện không mới này đã được nhắc đến tại hội nghị tổng kết ngành diễn ra vào đầu năm 2010. Khi đó, lãnh đạo hai tập đoàn VNPT và Viettel đều bày tỏ sự lo ngại các DN mải chạy đua cạnh tranh sẽ bán dưới giá thành khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel lúc đó đề xuất Bộ TT-TT nên quy định mức giá sàn cho 2 năm 2010 và 2011 là 800 đồng/phút… Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định sẽ tiếp thu và thực tế trong năm 2010 cũng đã họp với các DN để bàn bạc về việc xây dựng quy định về giá cước di động. Trả lời báo chí, không ít lần đại diện quản lý chuyên môn của Bộ TT-TT cho biết quyết tâm xây dựng khung giá cước di động, từ đó làm cơ sở để xác định đâu là phá giá. Vị lãnh đạo này cũng phân tích sẽ không có giá sàn theo ý nghĩa cuối cùng mà giá sàn được hiểu chính là giá thành. Có quan điểm cho rằng, giá thành nên được xây dựng dựa trên quy mô của các nhà mạng, ví dụ giá thành của Mobifone, Vinaphone, Viettel không thể bằng với giá thành của S-Fone, Beeline, Vietnamobile. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, đến nay câu chuyện về khung giá cước di động vẫn chưa có hồi kết. Đây chính là cái khó cho cơ quan quản lý nhà nước, vì nếu bảo DN bán phá giá, vậy phải so sánh với cái gì để khẳng định…?
Theo một chuyên gia của Bộ TT-TT, trong lĩnh vực thanh toán điện thoại quốc tế, quy định bán với mức giá thấp hơn 15% so với giá trung bình của thị trường là phá giá, nhưng trong lĩnh vực thông tin di động, hiện cũng chỉ ước lượng nếu hạ xuống 20-30% so với giá trung bình trên thị trường được phép xác định là phá giá. Song, nhìn ở một góc độ khác, việc đưa ra giá sàn sẽ giảm đi tính cạnh tranh của thị trường, khiến người tiêu dùng bị thiệt. Đại diện một nhà mạng nhỏ cho rằng, thường người ta chỉ khống chế giá trần để tránh tình trạng DN cùng bắt tay đẩy giá lên cao. Còn nếu đưa ra giá sàn sẽ còn gây khó khăn cho DN nhỏ, vì "cửa" vào thị trường của họ chỉ có mỗi cách là giá phải rẻ hơn, do vậy nếu áp dụng giá sàn, họ sẽ hết đường. Theo các quy định hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước chỉ mới quản lý về giá cước với các DN chiếm thị phần khống chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.