Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ bản thành công, tiếp tục hoàn thiện

Vũ Vân| 05/10/2015 06:52

(HNM) - Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đã được gần 450 trường sử dụng để xét tuyển vào đại học (ĐH). Mặc dù đợt xét tuyển đầu tiên gây ra những rắc rối cho thí sinh và gia đình, đem đến những vất vả cho các nhà trường khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải lên tiếng nhận trách nhiệm

Bài 2: Góp phần phân tầng, tăng tính tự chủ

(HNM) - Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đã được gần 450 trường sử dụng để xét tuyển vào đại học (ĐH). Mặc dù đợt xét tuyển đầu tiên gây ra những rắc rối cho thí sinh và gia đình, đem đến những vất vả cho các nhà trường khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng đến thời điểm này, những con số thống kê đã chứng minh phương án thi năm nay đã góp phần vào việc phân tầng các trường ĐH. Với phương án này các nhà trường đã được tự chủ hơn trong tuyển sinh. Đặc biệt, việc đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi đã mang lại cho thí sinh cơ hội trúng tuyển cao hơn các năm trước.

Tuyển nhanh và gọn

Năm 2015, tổng chỉ tiêu tuyển sinh do các cơ sở đào tạo xác định là 647.222, bao gồm: 396.810 chỉ tiêu ĐH và 250.412 chỉ tiêu cao đẳng (CĐ). Trong đó, tổng số chỉ tiêu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) từ kỳ thi THPT quốc gia khoảng hơn 516 nghìn (gồm khoảng 366 nghìn chỉ tiêu ĐH và khoảng 150 nghìn chỉ tiêu CĐ); số chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả học tập THPT (xét học bạ, theo các đề án tự chủ tuyển sinh) là khoảng 130 nghìn (khoảng 60 nghìn chỉ tiêu ĐH và khoảng 70 nghìn chỉ tiêu CĐ).

Các thí sinh dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015. Ảnh: Viết Thành



Sau hai đợt xét tuyển, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ (gồm 248 trường ĐH và 195 trường CĐ), các trường đã xét tuyển được 463.537 chỉ tiêu, đạt 89,75%. Trong đó, các trường ĐH xét tuyển được 391.930 chỉ tiêu (gồm 365.091 chỉ tiêu ĐH, đạt 99,60% và 26.839 chỉ tiêu CĐ, đạt 68,58%); các trường CĐ xét tuyển được 71.607 chỉ tiêu, đạt 64,63%. Trong số trường có báo cáo nêu trên có 146 trường (gồm 119 trường ĐH và 27 trường cao đẳng) đã tuyển hết chỉ tiêu; có 162 trường (gồm 95 trường ĐH và 67 trường cao đẳng) đã tuyển được từ 50% chỉ tiêu trở lên.

Bộ GD-ĐT cho biết, hầu hết trong số 194 trường có đề án tự chủ tuyển sinh đều kết hợp giữa xét tuyển theo kết quả thi THPT QG với xét tuyển theo học bạ. Phương án của các trường này khá đa dạng: Có trường xét tuyển trung bình 5 học kỳ THPT, có trường lấy điểm trung bình lớp 12, có trường lấy điểm trung bình 3 môn của tổ hợp xét tuyển liên quan. Điểm trung bình để các trường chọn là 6,0 đối với xét tuyển vào ĐH và 5,5 đối với xét tuyển vào CĐ. Đến ngày 15-9, các trường này đã xét tuyển được 91.416 chỉ tiêu, đạt 75,04%; trong đó, số thí sinh trúng tuyển ĐH là 50.779, đạt 84,84% và số thí sinh trúng tuyển CĐ là 40.637, đạt 65,58%. Đã có 61.336 thí sinh đến nhập học, đạt 50,35% chỉ tiêu.

Tổng hợp cả hai phương án tuyển sinh trên, số lượng thí sinh trúng tuyển và số trường tuyển được đủ chỉ tiêu nhiều hơn so với năm trước. Cụ thể đã có 554.953 thí sinh được xét trúng tuyển, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra; trong đó, hệ ĐH tuyển được 415.870, đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083, đạt 63,21% chỉ tiêu. Con số này nhiều hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 nghìn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu; trong đó có 348 nghìn sinh viên ĐH, đạt 94% và 157 nghìn sinh viên CĐ, đạt 58,1%). Điều đó cho thấy việc tổ chức kỳ thi THPTQG để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ĐKXT và các trường cũng dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh.
Rõ uy tín, không phân biệt loại hình

Theo phân tích kết quả xét tuyển, điểm trúng tuyển của các trường thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. Khối ngành Công an, Quân đội, Y dược, Luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành Kỹ thuật, Kinh tế, Sư phạm và Tài chính - Ngân hàng. Nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư và Công nghệ khó tuyển hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển này vẫn có những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… kết quả tuyển được cao.

Có một điểm đặc biệt là trong tất cả các nhóm trường ĐH và CĐ, dù điểm tuyển cao, trung bình hay thấp thì đều có trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1; một số trường ĐH ngoài công lập đã tuyển được với tỷ lệ khá cao ngay đợt 1.

Kết quả tuyển sinh nêu trên đã phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường, bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH, CĐ. Người học không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trình độ ĐH hay CĐ.

Thí sinh có nhiều cơ hội

Việc tổ chức thi theo cụm và thí sinh ĐKXT vào ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đổi mới cách ra đề thi đã giúp học sinh không nhất thiết phải "luyện thi" mới làm bài được, tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh ở các vùng, miền trên toàn quốc. Nếu như trước đây, đa số thí sinh ở các vùng này có tâm lý tự ti, không dám ĐKDT vào các trường ĐH tốp trên thì việc "thi trước, tuyển sau" năm nay cũng đã góp phần tạo thêm sự tự tin cho những thí sinh học tốt ở các vùng này để các em có cơ hội được vào học ở những trường tốt, phù hợp với mức điểm đã đạt được. Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ cũng cạnh tranh lành mạnh để thu hút các học sinh giỏi, tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các vùng miền.

Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng không hạn chế số lần rút và ĐKXT lại trong 20 ngày khiến thí sinh, phụ huynh căng thẳng, lo lắng, các trường vất vả trong việc nhận, trả hồ sơ, tổng hợp số liệu để công khai số lượng hồ sơ hằng ngày, nhưng mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đặt ra khi đưa ra quy định này là để không còn tình trạng thí sinh điểm cao trượt, thí sinh điểm thấp lại trúng tuyển ĐH, CĐ như những năm trước đã đạt được. Trên thực tế có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học. Số lượt thí sinh thay đổi ĐKXT tuy chỉ chiếm 8,7% số thí sinh ĐKXT nhưng do tập trung ở một số ít trường nên gây ra hình ảnh không tốt đối với dư luận. Báo cáo với Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng đã tự đánh giá, đây là một hạn chế lớn nhất của kỳ thi vừa qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ bản thành công, tiếp tục hoàn thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.