(HNM) - Sáng 6-3, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh, thông báo đã cơ bản khống chế được hai đám cháy lớn Nậm Chăn và Hô Be, không để cháy lan sang Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Hai ngày gần đây, hầu hết rừng ở các huyện của tỉnh Lai Châu đều đã và đang bị "giặc lửa" hoành hành. Nguyên nhân cháy được xác định không chỉ do một số bà con đốt nương bất cẩn, không nghiêm chỉnh chấp hành quy định đốt nương mà còn thấy xuất hiện "sự bất thường" dẫn đến cháy rừng, nhất là ở các điểm cháy lớn. Các đám cháy đều đã được Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng các cấp triển khai cứu chữa nhanh chóng và cơ bản khống chế trong thời gian ngắn, không để lan rộng. Song đến thời điểm này, trên địa bàn Lai Châu vẫn còn hai điểm cháy rừng lớn Hô Be và Nậm Chăn thuộc xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, giáp ranh với Vườn quốc gia Hoàng Liên, chưa được khống chế. Hai đám cháy lớn này đã cháy hơn hai ngày đêm nhưng đến thời điểm này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan rộng về phía vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên. Sáng 6-3, Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh Lai Châu đã phải tiếp tục huy động thêm hơn 30 người thuộc lực lượng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh vào điểm cháy lớn này để chữa cháy.
Trước đó, chiều 5-3, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp khẩn cấp với Ban Chỉ đạo trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng, chống cháy rừng về biện pháp đối phó với tình hình cháy rừng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 5-3, trên toàn quốc có 19 tỉnh, thành nguy cơ cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, 24 địa phương cấp cháy rừng ở mức nguy hiểm (cấp 4). Ngay trong những ngày đầu tháng 3, liên tiếp xảy ra 59 vụ cháy rừng trên địa bàn 13 tỉnh, thành trên cả nước, trung bình mỗi ngày có hơn 60 điểm cháy, ngày cao điểm có khoảng 140 điểm cháy ở những địa phương nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm và nguy hiểm.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Phải bằng mọi cách nhanh chóng dập tắt các đám cháy bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa. Yêu cầu Quân khu 2 tăng cường lực lượng bộ đội tham gia làm đường băng cản lửa, hỗ trợ phương tiện và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ việc chỉ đạo chữa cháy rừng. Sử dụng máy bay nếu điều kiện thời tiết cho phép để hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng chữa cháy rừng. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam khảo sát sớm tăng cường năng lực thông tin phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với các tỉnh có rừng, trong điều kiện thời tiết dự báo tiếp tục bất thường, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng tiếp tục xảy ra, chính quyền các địa phương phải bám sát chỉ đạo quyết liệt phòng, chống cháy rừng. Ban Chỉ đạo trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng, chống cháy rừng cần giám sát việc thực hiện phòng, chống cháy rừng của các địa phương để báo cáo Chính phủ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các địa phương tập trung tuyên truyền phòng, chống cháy rừng, không để xảy ra cháy rồi mới huy động lực lượng chữa cháy. Bên cạnh đó cần cử lực lượng cảnh giới trực bám sát tình hình phòng, chống cháy rừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.