(HNM) - Tròn 120 năm trước, cũng vào một năm Dần, tại một làng bình dị tỉnh Nghệ An, trong một gia đình thanh bạch như hầu hết các gia đình nông thôn Việt Nam thời ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời.
Biểu diễn văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010). Ảnh: Viết Thành |
Gia đình ấy có nét nổi bật chăng thì đó là truyền thống yêu nước, thương dân đậm đà trong huyết quản dòng họ. Có trội hơn số đông các gia đình nghèo khác chăng, ấy là nền học dày sâu và cách xử thế mềm mại.
Ngày 19-5-1890, tại làng Kim Liên đã ra đời một danh nhân theo nghĩa rộng nhất - hay nói theo ngôn từ chuẩn xác của các nhà sử học quốc tế, đã ra đời một trong những nhân vật lỗi lạc đã làm nên lịch sử thế kỷ XX.
Đó cũng là ngày một con người bình dị chào đời: cậu bé Nguyễn Sinh Cuông, lớn lên sẽ là Nguyễn Tất Thành, là Ba, là Vương, là Line, là Ông Ké mặc áo chàm… để cuối cùng sừng sững xuất hiện trước thế giới Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Một con người suốt đời không có ham muốn nào ngoài ham muốn tột bậc là giành lại độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Một con người không bao giờ nghĩ tới quyền uy, bởi luôn tin tưởng “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (những câu trong ngoặc kép trích lời Bác Hồ) và bản thân cho dù là nhà lãnh đạo cao nhất nước cũng chỉ là một trong những “người đầy tớ của nhân dân”. Một con người không màng vinh hoa, phú quý, mà chỉ ước mong lúc về già, khi việc lớn đã thành, được trút bỏ mọi trọng trách, lui về một nơi phong cảnh đẹp, sống nếp nhà đơn sơ, sáng xuống suối câu cá, chiều trên đồi chơi đùa với trẻ.
Và cuối cùng, một con người lúc ra đi về chốn vĩnh hằng, chỉ “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Hầu hết những người nước ngoài được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cả khi Người còn là một cậu trai làm nghề phụ bếp hay làm bất cứ công việc nào miễn là có cơ hội được đi, được thấy, được học, được trải nghiệm… nhằm tìm ra lời đáp cho nỗi trăn trở thiết tha: con đường cứu nước; những ai đã gặp khi Người còn là một người dân mất nước sống lưu vong ở nước ngoài, tìm dịp bày tỏ chính kiến, miệt mài kết nối bạn bè, gây dựng phong trào từ những con số không…; những ai có cái vui được một lần gặp Bác đều giữ mãi ấn tượng sâu sắc về ngọn lửa thường xuyên nung nấu trong tâm can Người.
Sau ngày cách mạng thành công, giữa cuộc kháng chiến gian nan hay khi hòa bình tạm thời lập lại, những ai được gặp Bác Hồ đều tâm phục ý chí của Người, đều được thuyết phục bởi sức hấp dẫn của Người - hay nói theo lời một nhà báo nước ngoài, bởi “lòng mong muốn dường như thường trực nơi ông là tìm cách thuyết phục số đông, thuyết phục quần chúng cùng mình hành động vì nghĩa cả”.
Phần lớn các nhà văn hóa nước ngoài có cơ hội gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, được nghe Bác nói chuyện, nhìn Bác tiếp khách, hay là nhà báo phỏng vấn Bác, trong số đó có người tìm cách “cật vấn” bằng những câu hỏi trớ trêu, hóc búa nhất, cuối cùng ra về họ đều lưu lại với đời ít nhất một trong những tác phẩm hay của mình: một bộ phim, một bản tin, một trang viết, một dòng thơ, một ký họa, một giai điệu… Sẽ có quá nhiều dẫn chứng cụ thể. Nếu việc ấy thực sự cần, người viết mấy dòng này có thể kể ra bút danh, tác phẩm, thậm chí nhân thân từng vị. Đó là nhà đạo diễn Hà Lan hay nhà làm phim Liên Xô, là nữ ký giả Ba Lan, nhà thơ Hy Lạp hoặc nhà viết tùy bút Cuba, là nhà điêu khắc Gruzia, nhà sử học Viện Hàn lâm Pháp hay giáo sư chuyên gia Việt Nam học người Nga, là vị học giả cao niên thâm thúy đến từ đất nước Hoa anh đào hay ông giáo sư trẻ năng nổ từ Đại học Harvard…
Làm sao tránh được miên man? Thôi thì, hãy bằng lòng đọc lại vài trang viết của chỉ một người sống bên kia đại dương. Ông viết ngay trong đêm nhận được tin Bác Hồ vừa qua đời ở Hà Nội. Một phần tư thế kỷ trước đó, cuối năm 1945, với tư cách nhà báo ông đã đến Việt Nam cùng với đội quân viễn chinh Pháp. Ông thuật lại lần đầu được phỏng vấn nhà lãnh đạo cao nhất của đối phương, tại Bắc Bộ phủ:
“…Chẳng ai thấy ông bước vào, càng không một ai nghe bước chân ông đi. Đôi dép lốp lướt nhẹ trên tấm thảm trải sàn căn phòng rộng của viên thống sứ trước đây, nay nhà lãnh đạo dùng tiếp khách nước ngoài. Tiếng Pháp của ông hơi pha chút gì rất khó xác định, hình như là giọng Anh hoặc giọng Quan thoại. Nhưng con người ông mới thật sự gây ấn tượng… Trước hết là đôi mắt sáng một cách diệu kỳ dưới hàng lông mày rậm, vầng trán mênh mông và mái tóc hoa râm đã bắt đầu thưa thớt, từ khuôn mặt ấy và từ cả vóc dáng ông nữa đều toát lên một phong thái cực kỳ đáng kính.
Vừa đặt mình xuống chiếc ghế tựa lót đệm dày, hai chân bắt chéo, cử chỉ tự nhiên, ông mở đầu pha chút mỉa mai: “Một dân tộc như các bạn, đã cung cấp cho toàn thế giới học thuyết về tự do. Cho dù các bạn rồi đây có hành xử ra sao đi nữa, các bạn vẫn tìm thấy ở chúng tôi những người bạn. Này bạn có biết không, ông bạn trẻ, năm nào tôi chẳng say mê đọc lại Victor Hugo hay Michelet… Ngôn ngữ các vị ấy chẳng bao giờ đánh lừa ai, đó là ngôn ngữ những người dân thường nước các bạn và điều lạ lùng là nó rất gần gũi rất anh em với ngôn ngữ dân thường nước tôi… Này ông bạn, làm sao mà chủ nghĩa thực dân có thể tồi tệ đến mức làm thay đổi con người ta đến thế nhỉ?...”.
“Người bó sát trong chiếc áo khoác màu nâu xám đã sờn, Cụ Hồ gợi cho chúng tôi hình ảnh một nhà nho dung dị đáng kính, nay buộc phải khoác tấm áo người cách mệnh để làm sứ mệnh của mình.
“Bằng lối xử sự đầy tình người, ông đi vào thế giới và nhất là đi vào lòng nhân dân Việt Nam. Bác Hồ, vị Chủ tịch quý mến mà hai tay lúc nào cũng sẵn cam, sẵn kẹo chia cho các cháu nhi đồng, con người mãi mãi là một chiến sĩ vùng chiến khu, với chiếc áo khoác sờn và đôi dép lốp thủng, tối tối nằm ngủ chung với mọi người trên một chiếc chiếu manh (…). Chỉ có Ông Hồ mới được tất cả mọi người dân Việt Nam gọi bằng Cụ với nội hàm kính mến nhất của từ “Cụ”. Ông sống như một người dân thường dễ tính, nhưng khi cần, xử sự rất kiên quyết. Một tối tháng chín năm 1946, tại Paris, ông nói với Bộ trưởng Pháp Marius Moutet đang ra sức thuyết phục ông nên nhân nhượng để ký một thỏa ước với Pháp: “Vâng, vấn đề này có thể giải quyết trong ba tháng hoặc 30 năm. Nhưng, nếu các bạn cứ một mực áp đặt chiến tranh với chúng tôi, bạn có thể một lúc giết chết mười người của chúng tôi trong khi chúng tôi chỉ có thể gây thương vong cho một người của các bạn. Song, cả với cái giá ấy đi nữa, người chiến thắng rốt cuộc vẫn là chúng tôi”.
“Từ ngôi nhà nhỏ của người làm vườn trong khuôn viên dinh quan Toàn quyền Pháp được Cụ chọn làm nơi ở, vẫn Cụ già bình dị ấy với bộ quần áo kaki màu cát đục, tiếp tục chèo lái con thuyền Việt Nam. Đường đi của thuyền đầy gian nan trắc trở, song Cụ vẫn tìm ra con đường của mình không lệ thuộc vào bất cứ ai: “Con đường Việt Nam”.
Người phóng viên trẻ lần đầu được tiếp xúc Bác Hồ và suốt đời giữ mãi ấn tượng về lần gặp ấy, 50 năm sau trở thành một nhà văn, nhà sử học hàng đầu. Ông được mời viết mục từ Hồ Chí Minh trong bộ Từ điển Bách khoa đại toàn thư Pháp gồm 30 tập. Với tính khách quan khoa học, ông đã thực hiện một mục từ dài, có lẽ hơi quá dài riêng về một nhân vật lịch sử nước ngoài cho từ điển. Ông đã tổng hợp đầy đủ thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh#. Không che giấu niềm thán phục, ông mở đầu Lời dẫn nhập như sau:
“Trong lịch sử các cuộc cách mạng thế kỷ XX, Hồ Chí Minh giữ một vị trí đặc biệt. Trước hết, ông là người tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài nhất chống lại bá quyền phương Tây và đế quốc thực dân.
Nhưng, điều quan trọng nhất làm nên tính độc đáo của nhân vật Hồ Chí Minh là ông đứng ở ngã tư lịch sử của các cuộc cách mạng châu u và châu Á, ở điểm kết nối phong trào công nhân thời đại tập trung hóa công nghiệp u châu với các cuộc nổi dậy của nông dân các nước nông nghiệp Á châu. Tại Đại hội Tours (Pháp) năm 1920, ông đã chọn chủ nghĩa Lênin thay cho trường phái xã hội chủ nghĩa truyền thống chiếm đa số ở Pháp. Ông đã sống bảy năm ở Liên Xô. Bài tham luận quan trọng đầu tiên của ông ở đấy là tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Ông đã phê phán quan điểm sai lầm không quan tâm đầy đủ vấn đề thuộc địa và nhấn mạnh sự khẩn thiết phải có ngay một chiến lược cách mạng quốc tế phù hợp với đặc thù các xã hội nông nghiệp thế giới kém phát triển.
Chính những nguồn gốc đa dạng về lịch sử và ý thức hệ đã khiến cho Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến năm 1969, giữ một vị trí riêng biệt trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Ông có quan hệ chặt chẽ với các đảng cộng sản từ Liên Xô, Pháp đến Trung Hoa và các nước khác, nhưng ông lại là người dấn thân sâu sắc nhất vào phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Mọi người nhất trí coi ông vừa là biểu tượng vừa là linh hồn của phong trào ấy, kể cả phần đông các nhà yêu nước không theo chủ nghĩa Mác. Ông là nhà cách mạng mà sự từ trần đã làm lay động tận tâm can tất cả những ai chưa bao giờ tự coi mình là người cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc vĩ nhân và con người bình dị, đi xa đã hơn bốn mươi năm.
Bác vẫn còn đó với non sông, đất nước.
Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta không phải là một khẩu hiệu. Nó là thực tế khách quan.
Cũng như 35 năm về trước, khi cả nước đã cùng lúc tưng bừng cất cao câu hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, giữa phấn khích trước những thành tựu liên tục của đổi mới và phát triển hôm nay, ai ai cũng có thể tự hào: Luôn có Bác Hồ trong mọi ngày vui.
(1) Đại từ điển Encyclopedia Universalis. Tập 11 trang 529-531.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.