Tối 5-2, Hội chợ Xuân Giảng Võ đã khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội - Số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 6-2 và kết thúc ngày 12-2 (tức từ 21 đến 27 tháng Chạp năm Đinh Dậu).
Hội chợ có quy mô lớn với hàng nghìn chủng loại sản phẩm hàng hóa và đặc biệt đây là nơi hội tụ các đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp đón Tết của nhân dân và khách thập phương.
Tối 5-2, Hội chợ Xuân Giảng Võ đã khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội - Số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo Ban tổ chức, Hội chợ Xuân Giảng Võ 2018 có quy mô hơn 600 gian hàng với tổng diện tích gần 6.000 m2, sử dụng các nhà trưng bày nhà A1, nhà A2 và khu vực ngoài trời. Hội chợ thu hút trên 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của nhiều tỉnh thành trên cả nước từ miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông đến miền Tây Nam bộ.
Hội chợ được bố trí thành các khu vực trưng bày theo từng ngành hàng như: dệt may-da giày; gia dụng; thực phẩm- bánh kẹo; hoa-cây cảnh; khu đặc sản vùng miền với những sản phẩm nổi tiếng đến từ các tỉnh thành trên cả nước và khu vực đồ uống.
Nổi bật của Hội chợ lần này là sự tham gia của các sản phẩm địa phương và đặc sản các vùng miền như: các loại trái cây Nam bộ, thủy hải sản như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết..., các sản phẩm nổi tiếng từ các địa phương như cốm làng Vòng (Hà Nội), hành, tỏi (Lý Sơn), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh (Nghệ An), gạo nương (Tuyên Quang), gạo đồi, chè tuyết, rượu chít, rượu táo mèo, mật ong (Điện Biên), mộc nhĩ, nấm hương, măng chua, miến dong (Cao Bằng), bánh đậu xanh, bánh gai (Hải Dương), chả, giò, bánh chưng Ước Lễ (Hà Nội), cùng với hàng trăm chủng loại lương thực, thực phẩm, ẩm thực ba miền phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách hàng ngay tại Hội chợ.
Chiếm tỷ trọng đáng kể trong Hội chợ là các sản phẩm cao cấp nhập khẩu. Có thể kể đến như bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Nga, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Bỉ…; các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như đá Magma của Hàn Quốc; các sản phẩm, đồ gia dụng đến từ Anh, Đức, Italia... góp phần làm phong phú thêm cho Hội chợ Xuân năm nay.
Tại hội chợ, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại (Hapro) cho biết, tham gia hội chợ Xuân năm nay công ty trưng bày các sản phẩm tại 10 gian hàng, chủ yếu các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam do Tổng công ty và các công ty thành viên sản xuất. Đặc biệt, tập trung vào một số nhóm hàng như gạo, gia vị bánh kẹo, rượu bia… để phục vụ bà con trong dịp Tết Nguyên Đán; trong đó, có một số mặt hàng tham gia cơ cấu bình ổn giá của thành phố. Công ty đã tổ chức chuẩn bị lượng hàng trị giá trên 1.000 tỷ đồng.
Ngoài việc tham gia Hội chợ Xuân, công ty còn tổ chức các điểm bán khác tại các chuỗi siêu thị của tổng công ty cũng như các siêu thị khác. Công ty cũng tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, đặc biệt có Hội chợ Tết về nông thôn tại huyện Ứng Hòa sẽ được tổ chức từ ngày 7-2 đến 11-2.
Mặt hàng đồ uống cũng được trưng bày tại hội chợ khá phong phú. Hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làng nghề phong phú, tinh tế và độc đáo cùng các vật phẩm thờ cúng như đồ gỗ, đồ sành sứ, mây tre, trầm hương, nến và các sản phẩm phong thủy... cũng là tâm điểm để tham quan, mua sắm phục vụ trưng bày ngày tết và nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Mặt khác, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Tổ chức phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng của thành phố Hà Nội như Sở Y tế, Quản lý thị trường, Quản lý Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trưng bày, buôn bán tại hội chợ, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.