Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về một người biết lắng nghe

Bảo Nga| 29/06/2013 06:59

(HNM) - Suốt 11 năm nay, BS Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội) đã gắn bó với nỗi đau và nước mắt của phụ nữ.

Khi tôi ghé thăm, bác sĩ Quyết đang tư vấn cho một ca "khó". Chị Đỗ Thị L, 45 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) có vóc dáng gày guộc, khuôn mặt thất thần, già sọm so với tuổi. Nhưng không hiểu sức lực nào giúp chị nói nhanh, nói nhiều, nói to đến vậy. Chị thao thao bất tuyệt đủ điều, từ chuyện mẹ chồng không thích các món ăn chị nấu, cũng không cho chồng chị được khen ngon mặc dù các món ăn chị nấu rất hấp dẫn; rồi đến chuyện em chồng, em dâu thường xuyên "đâm bị thóc, chọc bị gạo" khiến chị luôn bị ghét bỏ; chuyện chồng chị chuyên sĩ diện, thích ba hoa; chuyện phải chịu đựng BLGĐ khiến chị rất đau đầu, chóng mặt... Đang mạch chuyện bỗng chị lại chìa chân, nói về tai nạn cách đây 10 năm…

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết tư vấn cho một phụ nữ bị bạo lực gia đình.



Ông Quyết chỉ im lặng, chăm chú lắng nghe câu chuyện không đầu, không cuối, gương mặt đầy sự cảm thông, thương xót. Thấy cốc nước của chị vơi, ông lại lặng lẽ rót thêm nước. Dường như ông đã rất quen với việc làm "chỗ chứa" để cho những người phụ nữ bất hạnh trút giận dữ, ưu phiền, mệt mỏi.

Ông Quyết phân tích, những người phụ nữ sau khi chịu BLGĐ từ 10 năm trở lên thường bị suy sụp tinh thần, có dấu hiệu tâm thần bất ổn như nói nhiều, nói xa xả không đầu không cuối, lúc nhớ lúc quên. Lúc nào họ cũng u uẩn, sầu muộn, luôn sợ hãi người khác đang nhòm ngó, tìm cách làm hại mình, coi thường hoặc đánh đập mình, lấy mất cái gì đó của mình... "Từ năm 2002, Trung tâm đã giúp đỡ, tư vấn cho khoảng 25.000 khách hàng. Trong đó 40% phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đã chịu đựng BLGĐ từ 10 đến 20 năm. 10% có các biểu hiện rối loạn tâm thần" - ông Quyết cho biết.

Bày tỏ thái độ giận dữ, ông Quyết tâm sự, hiện nay BLGĐ đã và đang là vấn đề cực kỳ nhức nhối, vậy mà nhiều lãnh đạo địa phương và các nhà hoạch định chính sách vẫn cho rằng BLGĐ nếu chỉ là tạt tai, mắng chửi thì không có gì nghiêm trọng, chỉ khi thương tích đầy mình mới đáng quan tâm, trong khi BLGĐ đã hủy hoại cuộc đời của không ít phụ nữ, tước đoạt hạnh phúc và niềm vui sống của họ. Khỏa lấp nỗi cô độc và buồn bực là lý do khiến hàng trăm người phụ nữ đã tìm đến Trung tâm chỉ để được hỏi han, quan tâm, được nói và có người lắng nghe mình.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Gia Lâm - Hà Nội), 10 năm qua, trong tổng số hơn 25.000 ca (99% là phụ nữ) đến tìm sự giúp đỡ của trung tâm, 40% vẫn tiếp tục chịu BLGĐ. 25% trong số họ tìm được sự giải thoát nhờ ly hôn. Chỉ 10% là hoàn toàn chấm dứt BLGĐ và 25% có "tiến triển tốt" vì người phụ nữ đã được trang bị kiến thức, có khả năng điều đình, biết nói lý lẽ phải trái với chồng, khiến chồng họ phải "nể" mà lùi bước.

Cần những bàn tay ấm áp

Tôi tò mò hỏi ông trong suốt 10 năm làm việc trong lĩnh vực này, có số phận nào thực sự ám ảnh ông? Ông Quyết trầm tư: "Đó là một cô gái đã nỗ lực vươn lên, nhưng lại không tìm được sự cảm thông của gia đình, nên đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết".

Đó là câu chuyện xảy ra cách đây 4 năm. Cô gái ấy bị người chồng bạc ác trong cơn điên loạn đã chém đứt cả cánh tay, khiến cô phải sống trong tàn tật. Hàng đêm, cô không ngủ, lúc nào cũng thấy hiện lên gương mặt hung thần của người chồng. Chồng đi tù, bản thân tàn tật, gia đình ly tán, cô tìm về trung tâm để xin được trợ giúp. Ông Quyết đã giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau với cô. Cô gái ấy đã tá túc ở chùa Bồ Đề, hằng ngày cùng các nhà sư nuôi dạy trẻ mồ côi. Suốt hơn 1 năm trời, đến khi lấy lại được nụ cười, cô đã quyết định trở về tiếp tục đi làm, nuôi con.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau ông Quyết nhận được tin cô gái đã tự tử vì không chịu nổi sự dè bỉu của đồng nghiệp, của gia đình về việc "mất tay làm xấu mặt cơ quan", "lăng loàn làm hại chồng"… "Đó là nỗi day dứt khôn nguôi của tôi, là sự bất lực của người làm tư vấn. Rõ ràng chúng tôi đã cố gắng giúp đỡ để người phụ nữ bị bạo lực sống tự tin hơn, xóa bỏ quá khứ đau đớn để tìm lại tình yêu cuộc sống. Nhưng khi về nơi cư trú, gia đình, cộng đồng, đoàn thể đã không cho họ một môi trường an toàn để sống. Họ tiếp tục bị dày vò bởi những nỗi đau, thậm chí bị mắng chửi, dằn hắt vì đã dám tố cáo, dám phơi bày câu chuyện xấu xa trong gia đình cho người ngoài biết...".

Theo ông Quyết, cho dù đã có luật, có cả nghị định quy định xử phạt, nhưng người bị BLGĐ vẫn chưa thực sự thấy được bênh vực, bảo vệ. Chính quyền thường coi đó là "việc riêng", hội phụ nữ khuyên "chín bỏ làm mười", gia đình dặn dò "không nên vạch áo cho người xem lưng"… Do đó, nhiều phụ nữ chịu cảnh BLGĐ phải cố nín nhịn, chịu đựng cho "yên cửa yên nhà", không tìm được sự giúp đỡ thực sự, cho đến khi bạo lực leo thang đến mức gây hậu quả nặng nề. Ngoài ra, nhiều tập tục văn hóa chưa bênh vực quyền lợi cho phụ nữ. Có rất nhiều lý do khiến chị em bị bạo lực không dám phản kháng, cũng không thể tự giải thoát cho mình. Họ không có nơi tá túc, không có việc làm hoặc thu nhập quá thấp, không đủ nuôi thân. Nếu họ ly hôn hay phản kháng thì sẽ bị chồng đuổi ra khỏi nhà, mất con, không nơi nương tựa. Trong khi đó, luật pháp và nhất là tục lệ vẫn còn nghiêng về "bảo hộ" cho quyền lực của người đàn ông (phụ nữ lấy chồng theo chồng, tài sản đa phần đứng tên đàn ông, ly hôn phụ nữ phải ra khỏi nhà nhưng việc giám sát thi hành án sau ly hôn lại quá lỏng lẻo…). "Phụ nữ ly hôn rất dễ trở thành "vô sản" nên họ thà chịu đánh đập còn hơn mất nhà, mất con" - ông Quyết thở dài.

Khi tâm sự với ông Quyết, nhiều phụ nữ đã không cầm được nước mắt, thốt lên đau đớn: "Chúng em làm gì có lựa chọn". Họ chấp nhận chịu cảnh bị chồng "sáng chửi, chiều đánh, tối đòi ngủ". Họ không thể phản kháng, từ chối vì sợ chồng tiếp tục bị đánh. Ở thành phố, đa phần phụ nữ bị bạo lực phải "gặm nhấm" nỗi đau tinh thần vì bị chồng bỏ rơi, lãng quên.

Ông Quyết cho biết, không ít lần ông bị những người chồng, người cha tìm đến gây sự, đe dọa. Họ cho rằng chính ông Quyết đã "nhồi sọ" vợ con họ khiến cho những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhịn trước kia bỗng nhiên biết "lý luận" và phản kháng; vì ông mà vợ họ dám bỏ nhà ra đi, dám viết đơn tố cáo chồng lên cơ quan, chính quyền. Không ít lần tìm gặp người chồng vũ phu để xin "nói chuyện đàn ông", ông Quyết gặp phải sự chống đối dữ dằn của họ. Mặc dù vậy, ông vẫn không hề chùn bước…

Đang dở chuyện thì điện thoại của ông Quyết lại réo, rồi giọng một phụ nữ nức nở. Người đàn ông ấy lại dịu dàng, nhẫn nại lắng nghe. Ông bảo, người bị bạo lực đâu cần trợ giúp đao to búa lớn, họ đơn giản chỉ cần một người biết thông cảm, lắng nghe, tôn trọng và tin tưởng mình. Và với tấm lòng nhân ái, ông luôn chìa bàn tay ấm áp của mình về phía họ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một người biết lắng nghe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.