(HNM) - Vào các nhà hàng, khách sạn hiện nay, người ta thấy các món ăn từ động vật, thực vật hoang dã ngày càng nhiều và càng ngon hơn, kết quả của việc nuôi trồng các loại động, thực vật này đã trở thành những "nghề" mới, lợi cả đôi đường.
Trong một nhà hàng tự chọn các món ăn Việt truyền thống, người ta có thể thỏa thích chọn đủ các món từ lươn, chạch, cua, cá, ếch, nhái, cào cào, châu chấu, dế mèn, dế trũi đến các món rau lang, rau rệu, rau muối… tưởng đã mất giống từ lâu. Món đồng quê đã thế, người ta còn dễ dàng tìm được các món từ sông, biển hay rừng núi xa xôi như cá lăng, cá anh vũ, rùa, rắn, cua đinh, thịt nhím, thịt hươu, nai, lợn rừng… Không phải tất cả nhưng phần nhiều những thực phẩm khoái khẩu này đều đi thẳng từ các trang trại đến.
Người Việt Nam rất thông minh, tài giỏi, họ có thể nuôi được tất cả những loài vật hoang dã trên rừng, dưới biển ở xứ nhiệt đới này, thậm chí không phải động vật nhiệt đới như cá hồi, cá tầm cũng nuôi được, chứ ngoài thiên nhiên, bây giờ làm gì còn nhiều thế.
Nuôi trồng các loại động, thực vật hoang dã (ở đồng bằng bây giờ có lẽ chỉ còn cà cuống là chưa ai nuôi được thôi!) để thỏa mãn nhu cầu sử dụng của một xã hội ngày càng đòi hỏi cao là việc nên khuyến khích. Những bữa tiệc rắn ở làng Lệ Mật; món ba ba rang muối, thịt nhím xào hay cày hương 7 món trên đường Yên Phụ; chả cá lăng ở phố cổ; chả nhái ở Khương Thượng… là tốt nếu những nguyên liệu đó không từ bóc lột thiên nhiên mà có. Sẽ ra sao nếu không có các nhà hàng này: Hàng vạn lao động sẽ mất nguồn việc làm và theo đó là nguồn sống; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác sẽ tẻ nhạt, đơn điệu đi không ít trong mắt khách du lịch và nhu cầu ăn ngon, ăn lạ của hàng vạn con người cũng vì thế mà mất theo.
Nhưng từ đây lại có vấn đề quản lý những điểm ăn uống, cụ thể hơn là những món ăn này nhằm ngăn chặn việc tận diệt động, thực vật quý hiếm trong thiên nhiên, bảo vệ nguồn gien, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng để làm được việc này, các cơ quan chức năng và cán bộ quản lý gặp một trở ngại rất khó vượt qua là không có cơ sở để thực thi pháp luật. Với các động vật quý hiếm, cấm nuôi nhốt như gấu, hổ, báo đen, báo gấm, linh trưởng đã đành, nhưng lấy gì để phân biệt nhím nuôi và nhím săn bắt trong rừng, cũng như thế với lợn rừng, hươu, nai, kỳ đà, trăn, rắn. Cũng rất khó trong việc tịch thu, tiêu hủy các da thú nhồi bông và cấm hành nghề này. Chưa bao giờ có một chiến dịch tẩy chay và vận động người dân không dùng ngà voi, da thú nhồi, sừng, xương thú làm vật trang trí nội thất. Cũng chưa thấy một đợt kiểm tra, loại bỏ các món ăn từ thú rừng trong thiên nhiên ra khỏi thực đơn. Hà Nội hiện có hàng nghìn khách sạn, nhà hàng có món ăn từ thú rừng. Cứ cho rằng 80% trong số đó dùng từ nguồn nguyên liệu nuôi thì với hàng trăm nhà hàng còn lại, mỗi ngày người ta đưa lên đĩa bao nhiêu thú rừng? Chỉ cần nói đấy là thịt rừng, tiền thu sẽ gấp nhiều lần. Có cầu thì sẽ có cung, một ngày Hà Nội thu hút bao nhiêu tấn thịt có trong sách đỏ của rừng?
Chưa kể những người gian dối, mạo danh thịt rừng để bóc lột người ăn nữa, ai là người phân biệt được thịt chim trời với thịt chim cút nuôi; thịt lợn rừng với thịt lợn lai; thịt chồn hương với thịt chó; thịt nai với thịt ngựa, thịt trâu sau khi chúng đã được chế biến rất có nghề để lừa khách? Một lĩnh vực kinh doanh béo bở, rất cần được quản lý nhưng chưa được quản lý chặt chẽ vẫn tồn tại hằng ngày trước mắt bàn dân thiên hạ, nhưng hình như chúng ta còn chưa để ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.