(HNM) - Ngay từ khi "Đừng đốt" đoạt Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XVI (2009) tại TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nhắc đến Phạm Quốc Trung - người thầm lặng cống hiến cho thành công của bộ phim. Mới đây, Hội Điện ảnh Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực nghề nghiệp của Phạm Quốc Trung bằng việc trao cho anh giải thưởng Cánh Diều vàng 2009 - họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất.
Dưới đây là những chia sẻ thú vị của anh về những chuyện "bếp núc" chưa được nhắc tới ở "Đừng đốt".
- Thưa nghệ sĩ, chúc mừng anh đã đoạt giải thưởng Cánh Diều vàng 2009 dành cho họa sĩ thiết kế xuất sắc. Anh có thể nói một cách ngắn gọn nhất về vai trò của họa sĩ thiết kế trong đoàn phim?
- Xin cảm ơn bạn! Ai cũng biết quay phim là người cụ thể hóa ý tưởng kịch bản, đạo diễn bằng hình ảnh. Nhưng đối tượng của quay phim không chỉ có diễn viên mà là tất cả phần còn lại sau khuôn hình. Những phần đó thuộc nhiệm vụ họa sĩ thiết kế: từ cái nhỏ nhất như cái áo, cái xe cho tới cái lớn là bối cảnh môi trường sống, làm việc của nhân vật… Những phục trang, đạo cụ, bối cảnh ấy tác động trực quan tới khán giả, góp phần nói thay cho đạo diễn thông điệp của bộ phim.
Một cảnh trong phim “Đừng đốt”. |
- Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện thú vị về công việc của họa sĩ thiết kế trong phim “Đừng đốt”?
- Tôi nhớ một trong những cảnh đầu tiên là một khu tập thể thời bao cấp.
Hà Nội giờ đây đã thay đổi rất nhiều, sau không ít lần thất vọng, đầu năm 2007 chúng tôi may mắn tìm được khu tập thể cũ ở Kim Liên đang chuẩn bị phá. Chúng tôi cải tạo, từng chi tiết trong phòng cho tới toàn bộ hành lang, ngoại cảnh cần thiết. Hay cảnh ngôi làng miền Nam bị địch tàn sát, thực tế phải tìm kiếm và dựng ở Ba Vì, Hà Tây (cũ), sau đó “miền Nam hóa” bằng hàng chục cây dừa chuyển từ Thanh Hóa ra…
Rồi còn các đạo cụ của cả phía ta và địch, mặc dù ở thời chống Mỹ nhưng nhiều thứ không hề có trong kho. Chiếc máy tráng ảnh của Fred là một ví dụ. Lúc đầu chúng tôi chỉ tìm được một máy cổ của Tiệp Khắc, cũng gần giống, kể quay cũng được. Nhưng rồi lần theo các nhà sưu tập cá nhân, tôi tìm ra một máy phóng ảnh đúng của lính Mỹ từng dùng còn sót lại. Mất rất nhiều công, nhưng nếu nản mà sơ sẩy là dễ gây phản cảm.
- Công việc tỉ mẩn và đòi hỏi nhiều sáng tạo như vậy, có lúc nào giữa họa sĩ thiết kế và đạo diễn xảy ra những tranh luận nghề nghiệp không, thưa anh?
- Thực tế là có, trong phim “Đừng đốt” cũng vậy. Nhưng vì công việc chung, chúng tôi đã tìm được sự thống nhất. Theo tư liệu thì khu quân sự của Fred ở rất nhỏ, với một dãy nhà khá đơn điệu. Nhưng đạo diễn đã đồng ý để tôi gia tăng thêm những hình ảnh ấn tượng với khán giả như: mái vòm cho máy bay, những bao cát… Hay cảnh người lính da đen và toán lính Mỹ, theo kịch bản gốc là ở trong lều bạt. Quay trong lều bạt thì nhìn góc nào cũng “khô”, gần như tạo hình “chết”. Chúng tôi nhất trí chọn căn nhà đổ, rêu phong để có những khuôn hình phong phú…
- Như vậy, họa sĩ thiết kế cũng có những không gian sáng tạo rất độc lập. Với riêng anh, sự sáng tạo có thuận lợi hơn không vì trước khi đến với điện ảnh, anh đã học kiến trúc?
- Tôi còn nhớ, cha tôi - nghệ sĩ điện ảnh Phạm Kỳ Nam từng nói: ở Pháp, các họa sĩ thiết kế thường xuất phát từ ngành kiến trúc. Tôi vào điện ảnh vì thế cũng khá vững tâm, mặc dù đương nhiên sau đó phải học thêm rất nhiều về điện ảnh. Với họa sĩ thiết kế, ngoài tìm kiếm tư liệu, thì việc sáng tạo để hiện thực hóa trong thực tế là một thách thức lớn!
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.